Thời sự 18/09/2017 11:10

Bộ Tài chính muốn chặn doanh nghiệp "tay không bắt giặc", chuyên gia thuế nói gì?

Đại diện một doanh nghiệp chuyên tư vấn thuế cho rằng, tạm thời chưa nên bổ sung quy định về vốn mỏng vào Dự thảo Luật lần này để tránh sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Bộ Tài chính vừa đề xuất bổ sung thêm quy định về chi phí lãi vay ngân hàng nhằm đảm bảo lành mạnh hoá tài chính của doanh nghiệp, của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu kinh tế, chống chuyển giá.

Trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mới công bố, Bộ Tài chính đề xuất việc khống chế tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, các DN sản xuất khi có phần chi trả lãi vay của khoản vay vượt quá năm lần vốn chủ sở hữu (5:1) thì phần chi trả lãi vay này sẽ không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

Tương tự, với các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác, định mức để khoản lãi vay được tính vào chi phí hợp lệ là khoản vay không được vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1).

Riêng các lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng thì tỉ lệ tối đa là không quá 12 lần vốn chủ sở hữu. Bộ Tài chính cũng đề xuất thời điểm áp dụng quy định này là từ 1/1/2019.

Theo Bộ Tài chính, thực tế nhiều doanh nghiệp có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của doanh nghiệp và cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Nêu quan điểm về dự thảo của Bộ Tài chính, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc dịch vụ tư vấn thuế - Deloitte Việt Nam cho biết, Deloitte đề xuất tạm thời chưa bổ sung quy định về vốn mỏng vào Dự thảo Luật lần này để tránh sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Theo ông Tuấn, trên góc độ về thuế, hiện tại có rất nhiều các quy định về chi phí lãi vay không được trừ chồng chéo. Việc quy định thêm chi phí lãi vay không được trừ này sẽ dẫn tới trường hợp các doanh nghiệp vi phạm hai trong ba quy định sẽ gặp khó khăn khi xác định chi phí không được trừ.

Trong khi đó, trên góc độ về kinh tế, hình thức sử dụng vốn vay là một trong các phương pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng tỷ suất lợi nhuận cho chủ đầu tư, việc khống chế tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu sẽ có thể hạn chế/cản trở sự phát triển nền kinh tế, giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.

“Cơ sở để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn vay để khống chế chi phí lãi vay mới chỉ xem xét trên bình diện chung, chưa phân tích dựa trên đặc thù kinh doanh từng ngành/lĩnh vực. Do đó, nếu đưa vào áp dụng quy định này, trong thực tiễn triển khai có thể sẽ phát sinh bất cập đối với một số ngành”, ông Tuấn nói.

Đại diện Công ty Ernst & Young Vietnam thì đề xuất, phần chi phí lãi vay không đủ điều kiện khấu trừ sẽ được kết chuyển sang những năm sau trong thời gian là 5 năm, tương tự như chuyển lỗ. Đến năm thỏa mãn điều kiện thì có để được ghi nhận tăng chi phí thuế. Theo đó sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc huy động vốn, đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp vì đây là khoản chi phí thực sự của doanh nghiệp.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *