Thời sự 16/09/2018 06:30

Bộ Tài chính lo công ty đòi nợ hoạt động như "xã hội đen"

Bộ Tài chính cho rằng hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hoạt động kinh doanh nhạy cảm về mặt xã hội, dễ xảy ra hậu quả do hành vi đòi nợ bất hợp pháp, vì vậy cần quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một loại hình kinh doanh có điều kiện.

Bộ Tài chính cho rằng, đòi hỏi phải có quy định rõ ràng hơn để kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Bộ Tài chính cho rằng, đòi hỏi phải có quy định rõ ràng hơn để kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Lo dùng cách của "xã hội đen"

Liên quan tới quy định các điều kiện kinh doanh tại Dự thảo Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Bộ Tài chính mới đây cho biết, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề nhạy cảm trên phương diện an ninh, trật tự.

Nguyên nhân chỉ ra là do các sai phạm chủ yếu của doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ hiện nay là các sai phạm về an ninh, trật tự khi doanh nghiệp sử dụng các biện pháp thu hồi nợ bất hợp pháp kiểu “xã hội đen”.

Cụ thể như: Sử dụng nhân viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; Hoạt động không đúng địa chỉ, không đúng nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Công tác kiểm tra, giám sát của các Cơ quan chức năng còn hạn chế do các doanh nghiệp thường xuyên không thực hiện báo cáo theo quy định; Hoạt động kinh doanh không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự.

Bộ Tài chính cũng cho biết, vẫn còn tồn tại những sai phạm liên quan đến an ninh trật tự như vụ Công ty Tai Ga (trên địa bàn TPHCM) đòi nợ có hành vi “khủng bố”, nhân viên Chi nhánh công ty Công Lý (trên địa bàn TPHCM) có hành vi câu kết với các đối tượng xã hội đen để bắt cóc, tống tiền để đòi nợ…

Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng, đòi hỏi phải có quy định rõ ràng hơn để kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đồng thời cần nâng cao vai trò của lực lượng công an nhân dân trong việc quản lý nhà nước đối với hoạt động này do chỉ có lực lượng công an mới có đủ lực lượng, phương tiện và nghiệp vụ để đưa hoạt động này vào nề nếp.

Khi trình Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2007/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã báo cáo hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hoạt động kinh doanh nhạy cảm về mặt xã hội, dễ xảy ra hậu quả do hành vi đòi nợ bất hợp pháp, vì vậy cần quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một loại hình kinh doanh có điều kiện.

Bộ này khẳng định, điều kiện để kinh doanh dịch vụ đòi nợ là cần thiết để hạn chế ngay từ đầu, không cho tham gia vào hoạt động dịch vụ đòi nợ đối với những tổ chức, cá nhân không đủ năng lực để có thể tiến hành tốt loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo chiều hướng có lợi cho sự phát triển của xã hội; đồng thời đảm bảo trong quá trình hoạt động, các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ đòi nợ luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, quy định điều kiện về trình độ của người quản lý, giám đốc chi nhánh và người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để đảm bảo các cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; có chuyên môn, nghiệp vụ đòi nợ theo đúng quy định pháp luật, thực hiện đòi nợ chủ yếu bằng kỹ năng đàm phán, thương thuyết; hiểu và luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tránh việc đòi nợ theo kiểu xã hội đen, làm mất an ninh, trật tự xã hội.

Chưa phù hợp?

Về nội dung này, trong văn bảo góp ý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, đứng từ góc độ tính chất và tác động của dịch vụ này, quan ngại về nguy cơ an ninh trật tự là hoàn toàn hợp lý và do đó việc kiểm soát hoạt động kinh doanh này từ góc độ “an ninh, trật tự” là cần thiết.

Mặc dù vậy, hiện tại, ngành nghề này được xác định là ngành nghề phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Như vậy, yếu tố tác động đến “an ninh, trật tự”, vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm đối với ngành nghề này, đã được kiểm soát thông qua Giấy chứng nhận nói trên.

Do đó, VCCI cho rằng, cần đánh giá lại các điều kiện kinh doanh đang thiết kế đối với ngành, nghề dịch vụ đòi nợ ở Nghị định này trong bối cảnh nói trên để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước.

Trong đó, với quy định “vốn điều lệ” 2 tỷ đồng, VCCI cho rằng điều kiện về vốn của hoạt động kinh doanh này là chưa phù hợp với mục tiêu khi quy định về điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, VCCI cũng cho rằng cần xem xét lại điều kiện đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Hiện Dự thảo kế thừa quy định tại Nghị định 104 về việc quy định điều kiện đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Tuy nhiên, theo VCCI, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Để có được Giấy chứng nhận này, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã phải đáp ứng các điều kiện đối với người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự.

"Việc kiểm soát người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp đòi nợ sẽ hiệu quả hơn so với kiểm soát người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp. Như vậy, việc đặt điều kiện đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh trong Nghị định này có lẽ là không cần thiết, chồng lấn với quy định khác", VCCI góp ý.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *