Thời sự 09/01/2018 08:03

Bộ Tài chính bị chê "lỗi thời" khi ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với xe Hybrid

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) không đồng tình khi Bộ Tài chính chỉ áp dụng thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) “bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại” cho xe Hybrid (xe chạy xăng kết hợp năng lượng điện) có bộ sạc riêng (bên ngoài) mà không áp dụng cho xe không có bộ sạc riêng (hoặc bộ chuyển đổi xăng thành điện, sạc bên trong) mà thế giới đang áp dụng.

Các doanh nghiệp trực thuộc VAMA và Công ty Toyota Việt Nam (TMV) đều cho rằng: Các xe hybrid nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng không phù hợp với cơ sở hạ tầng hiện tại của Việt Nam. Việc thiết lập các trạm sạc điện trên toàn quốc đòi hỏi đầu tư rất lớn và cần nhiều thời gian, nên chưa khả thi.

Các doanh nghiệp ô tô không đồng tình việc Bộ Tài chính chỉ ưu đãi thuế TTĐB đối với xe Hybrid có sạc riêng (sạc ngoài)
Các doanh nghiệp ô tô không đồng tình việc Bộ Tài chính chỉ ưu đãi thuế TTĐB đối với xe Hybrid có sạc riêng (sạc ngoài)

VAMA cho rằng, họ không đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính khi chỉ áp dụng ưu đãi thuế TTĐB cho dòng xe hybrid nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng; thay vào đó cần ưu đãi cho tất cả các dòng xe hybrid, miễn là thỏa mãn điều kiện tiết kiệm 30% nhiên liệu so với dòng xe chạy xăng dầu thông thường.

Hiệp hội này cho biết: Việc thiết lập các trạm sạc điện trên toàn quốc đòi hỏi đầu tư rất lớn và cần nhiều thời gian, nên chưa khả thi. Trong khi đó, các dòng xe hybrid không cần sử dụng trạm sạc điện riêng hoàn toàn có thể áp dụng được ngay tại Việt Nam và đem lại hiệu quả tức thì về tiết kiệm nhiên liệu (có thể lên tới 50%) và bảo vệ môi trường.

Như vậy, nếu thực hiện đúng ưu đãi áp thuế TTĐB bằng 70% đối với xe có cùng con có dung tích, các xe Hybrid sẽ bị áp mức thuế rất thấp. Cụ thể, với mẫu xe Toyota Prius (1,8L), hiện có mức thuế TTĐB áp dụng đối với xe dưới 2.0L thông thường là 40% (bắt đầu tư 1/1/2018), thì thuế TTĐB xe hybrid trên có thể chỉ là 28%.

Ngoài ra, về lâu dài, VAMA đề nghị, Chính phủ xây dựng biện pháp ưu đãi theo cách tiếp cận đa dạng về công nghệ và cân nhắc các mức ưu đãi dựa theo các tiêu chuẩn và kinh nghiệm quốc tế để xác định mức độ phát thải và tiết kiệm nhiên liệu

TMV cho rằng: Mục đích cuối cùng của chính sách là giúp bảo vệ môi trường, do đó, Nhà nước nên để nhà sản xuất tự chọn công nghệ phù hợp, sử dụng hệ thống sạc riêng hoặc không, miễn sao đạt được mức tiết kiệm nhiên liệu và không gây ô nhiễm môi trường.

Theo công ty này, hiện nhiều nước phát triển như Nhật, Pháp, Hà Lan... đã áp dụng chính sách khuyến khích đối với cả hai loại xe hybrid này do tính năng vượt trội về tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải CO2.

TMV đề nghị Bộ Tài chính không đưa thêm quy định bắt buộc phải có “hệ thống sạc điện riêng” vào Luật. Đồng thời, cần sớm có văn bản hướng dẫn chỉ rõ “xe chạy xăng kết hợp năng lượng điện phải bao gồm cả xe sử dụng hệ thống sạc điện riêng và xe không sử dụng hệ thống sạc điện riêng đều là đối tượng điều chỉnh của luật này.

Cũng tại ý kiến gửi về Bộ Tài chính xung quanh việc bộ này có đề xuất áp thuế TTĐB đối với xe bán tải giống như các loại xe thông thường chở người khác. VAMA cho rằng: Căn cứ phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và do Bộ Tài chính Việt Nam, xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép được phân loại vào nhóm xe ô tô chở hàng (xe ô tô tải) và được định danh với mã hàng HS 8704.21.29.

"Do đó, không thấy có bất kỳ lý do hợp lý nào để tăng mức thuế suất thuế TTĐB hiện tại cho ô tô pick-up chở hàng cabin kép... Đề nghị Bộ Tài chính không thay đổi chính sách thuế TTĐB hiện hành đối với ô tô pick-up chở hàng hóa cabin kép", VAMA đề nghị.

Nguyễn Tuyền

 
 
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *