Thời sự 01/06/2019 19:02

Bộ Công Thương: Doanh nghiệp ngại mua thịt cấp đông vì sợ dân không ăn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hảicho biết giá lợn hơi trong dân thấp vì doanh nghiệp khó cấp đông thịt lợn, trong khi đó thói quen không thích ăn thịt lợn cấp đông cũng khiến doanh nghiệp ngại cấp đông thịt lợn.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cấp đông là chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và gần đây nhất là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực. Tuy nhiên, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng, theo phán đoán có khả năng sẽ ảnh hưởng tới tất cả các tỉnh thành, địa phương trên cả nước.

Theo Bộ Công Thương, thói quen thích sử dụng thịt lợn hơi đã

khiến doanh nghiệp "ngại" cấp đông lợn trong dịch tả lợn châu Phi

Ông Hải cho biết, ngày 30/5, Bộ này đã tổ chức cuộc họp bàn với các bộ ngành liên quan cùng với các địa phương trên toàn quốc đề bàn về vấn đề giải cứu đàn lợn trong dịch tả lợn châu Phi.

"Phải xác định đây là việc hết sức khó khăn, thứ nhất khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết mổ của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. Việc cấp đông sản phẩm thịt lợn trong thời gian dài với số lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính", ông Hải thông tin. 

Lãnh đạo Bộ Công Thương thừa nhận, hiện cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung hiện nay ở Việt Nam còn rất hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở chế biến, cấp đông. Hiện nay cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Hồng.

Đặc biệt, ông Hải cho biết hiện nhu cầu, thói quen tiêu dùng thịt lợn cấp đông của người dân Việt Nam hiện còn rất hạn chế, chưa phổ biến, gây lo ngại cho các doanh nghiệp đầu mối khi họ đã thu mua, cấp đông, trong việc dự trữ và bán các sản phẩm ra sau này. Rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ có thể làm những việc này theo chỉ đạo của các cấp ngành nhưng sau này có bán được hay không vẫn là câu hỏi lớn.

Giá của các sản phẩm thịt lợn tại thời điểm này còn rất thấp, thậm chí rất khó bán, trong khi người nông dân còn tồn không bán được và hằng ngày vẫn phải cho lợn ăn, nguy cơ dịch lan đến gây chết cho cả đàn lợn là rất cao. 

Trong khi cũng phải tính đến cung cầu của mặt hàng thịt lợn, ví dụ trong 3-4 tháng nữa, đặc biệt dịp trước tết cổ truyền của Việt Nam cũng không còn nhiều. 

Sau khi nghe các ý kiến bộ ngành địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối Bộ Công Thương đã tập hợp các ý kiến để  báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định những giải pháp. Mục đích, thứ nhất là phải nhanh nhất đưa ra những quyết định phù hợp có thể đưa ngay vào cuộc sống. Thứ hai, phải bảo đảm tất cả thịt lợn thu mua và sau đó cấp đông an toàn vệ sinh thực phẩm. Và thứ ba là có sự phối kết hợp với các bộ ngành có liên quan để sớm nhất hỗ trợ cho người chăn nuôi, người nông dân và kể cả tính đến cung cầu mặt hàng thực phẩm, trong đó có thịt lợn trong thời gian sắp tới.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *