Thời sự 04/12/2013 09:33

Báo cáo gian dối để rút tiền ngân hàng

Mất nhiều ngày lần mò trên đất Hải Phòng, chúng tôi mới tìm được địa chỉ chính xác nơi con tàu Phương Đông 568 (PĐ568) đang neo đậu tại Cty CP cơ khí Bắc Sông Cấm - chuyên sửa chữa đóng mới tàu biển nằm tại xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng. Tại đây, con tàu đang nằm bất động sau 6 năm khởi động giải ngân vốn ưu đãi.

 
 
Những con tàu “trơ xương” nằm trong nhà máy đóng tàu hoang hóa
của Cty CP công nghiệp đóng tàu Hải Phòng.
 
 
 
Tàu đã bán lại cho ông chủ ở Lâm Đồng
 

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, con tàu PĐ568 này đã được sang tên, đổi chủ cho ông Trần Văn Hưng, trú huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Tại Cty CP cơ khí Bắc Sông Cấm (Cty BSC), một người đàn ông tự xưng tên Hùng cho biết, anh là họ hàng của ông Trần Văn Hưng, ông Hưng là chủ đích thực sau khi mua lại Cty Thành An (TA) và con tàu PĐ568 đang đóng dở dang. Tại biên bản làm việc ngày 13.9.2011 giữa VDB do ông Đàm Lê Kinh dẫn đầu và Cty TA cũng thể hiện, người đại diện Cty TA lúc này là ông Trần Văn Hưng giữ chức giám đốc.

 

Qua biên bản cho thấy, có rất nhiều vấn đề bất thường liên quan đến con tàu PĐ568. Phía VDB yêu cầu chủ đầu tư báo cáo cụ thể về khối lượng những phần việc theo dự toán trúng thầu và phát sinh còn phải thực hiện để đưa tàu 5.300 tấn đi vào khai thác. Tuy nhiên, sau gần 4 năm kể từ khi con tàu được khởi công, VDB mới yêu cầu Cty TA chứng minh khả năng tài chính và kinh nghiệm vận tải biển là một câu hỏi cần giải đáp.

 

Mặt khác, việc VDB yêu cầu Cty TA phải lập phương án khai thác, trả nợ dự án sau khi tàu 5.300 tấn đi vào hoạt động có đúng nguyên tắc? Bởi muốn vay được nguồn vốn ưu đãi và trước khi đi đến ký kết hợp đồng tín dụng thì phía Cty TA phải chứng minh được tất cả những điều kiện của VDB đưa ra thông qua dự án đã lập, đảm bảo tính khả thi trong bảo toàn nguồn vốn. Ngoài ra, VDB còn buộc Cty TA mua bảo hiểm đối với tài sản thế chấp là con tàu Huy An 36 và tàu 5.300 tấn theo đúng cam kết. Điều này buộc Cty TA cam kết huy động vốn của các thành viên để đầu tư hoàn thiện tàu 5.300 tấn, chậm nhất đến ngày 30.10.2011 sẽ đăng kiểm, quyết toán hoàn thành công trình tàu PĐ568 để đưa vào khai thác. Cty TA sẽ lập phương án khai thác và trả nợ vốn vay đối với tàu 5.300 tấn gửi tới VDB TH chậm nhất vào ngày 16.9.2011.
 
 
Nhưng đến cuối tháng 11.2013, tàu PĐ568 vẫn đang “nằm trong xưởng” chứng minh những lời hứa của Cty TA cũng chỉ tồn tại trên giấy. Ngược lại, Cty TA còn đề nghị VDB TH cho phép dự án được lùi thời điểm trả nợ gốc tín dụng đầu tư và nợ gốc vốn vay đến tháng 1.2012 khi con tàu chính thức hoạt động có doanh thu tuyến quốc tế. Phân bổ số nợ lãi phải trả tính đến 31.12.2011 rải đều ra trong 5 năm. Hơn thế, qua điện thoại, ông Bùi Xuân Hinh - Giám đốc Cty CP công nghiệp đóng tàu Hải Phòng - cũng thừa nhận “Cty TA đang còn nợ tiền phần thi công do Cty này thực hiện”.
 
 
Báo cáo gian dối để rút tiền ngân hàng
 
 
Chúng tôi gặp lãnh đạo Cty BSC để tìm hiểu về số phận con tàu PĐ568, được ông Thái (tự xưng là cán bộ tư vấn kỹ thuật, nhưng nhiều công nhân ở đây nói ông là Phó giám đốc điều hành Cty BSC) cho biết: “Con tàu nêu trên đã neo đậu tại đây suốt hơn 2 năm qua. Hiện nay, đang trong quá trình hoàn thiện. Đúng ra nó phải chạy lâu rồi, nhưng nó bị trục trặc từ thời điểm sơn sửa lại. Hơn thế, do quy phạm kỹ thuật thay đổi ngày càng chặt chẽ để đảm bảo đủ điều kiện tham gia vào công ước của thế giới, nên việc làm hồ sơ đăng kiểm cũng gặp nhiều khó khăn”.
 
 
Tìm gặp một cán bộ kỹ thuật, từng giám sát quá trình thi công phần thiết bị của con tàu PĐ568 là ông Lê Hồng Bắc. Ông cho biết, ở thời điểm ông làm việc tại đây, tất cả thiết bị ông ký cho thợ lắp ráp đều được nhập về từ Trung Quốc. Riêng cần cẩu, khi lắp xuống tàu thì linh kiện bên trong chưa có, nhưng lúc đầu do ông không biết nên vẫn ký cho họ lắp và ký vào hồ sơ hoàn thiện.
 
 
Ông Lê Hồng Bắc nói: “Tàu PĐ568 ngay sau khi hạ thủy đã không chạy được. Cty TA phải thuê một tàu khác kéo về km7 QL5 - đoạn qua quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng. Tại đây, trong một lần tôi vô tình trèo lên cần cẩu, mới phát hiện bên trong cẩu thiếu một số thiết bị như động cơ bơm dầu, chưa có dây cáp, môtơ... Sau đó, tôi có hỏi Cty Đình Đô (đơn vị lắp cẩu) tại sao chưa lắp các thiết bị này? Họ trả lời đã nhập thiết bị, nhưng do Cty TA chưa chuyển tiền nên chưa lắp. Tôi hỏi tiếp, tại sao chưa chuyển tiền mà nói xong sổ đăng kiểm rồi? Họ trả lời, giai đoạn nước rút cuối cùng, anh thông cảm, nếu không làm thế thì không rút được tiền từ dự án”.
 

Có nhiều khuất tất phía sau con tàu PĐ568 cần được các cơ quan chức năng làm rõ. Vì sao con tàu được hạ thủy từ tháng 12.2010, nhưng không tự “bơi” được mà phải dùng tàu kéo và đến nay vẫn đang phải tiếp tục thi công?

Theo Lao động

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *