Thời sự 16/01/2018 14:19

Băn khoăn chuyện áp thuế VAT với khoáng sản

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị có liên quan về việc xây dựng thông tư hướng dẫn một số điều thuộc 2 nghị định của Chính phủ là 100 và 12. Trong dự thảo thông tư này, Bộ Tài chính quy định rõ thuế VAT đối với hoạt động xuất khẩu các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên khoáng sản.

Theo định nghĩa của Bộ Tài chính, đối tượng nằm trong diện điều chỉnh thuế gồm: sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng giá trị với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm sản phẩm trở lên.

Các trường hợp không nằm trong diện điều chỉnh là sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra các sản phẩm xuất khẩu; Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu chính không phải tài nguyên khoáng sản hoặc là tài nguyên khoán sản đã chế biến thàh sản phẩm khác do cơ sở kinh doanh mua về hoặc thuê cơ sở khác chế biến…  thì thuộc đối tượng áp thuế VAT 0%...

Cũng theo Bộ Tài chính, sản phẩm được coi là tài nguyên, khoán sản có nguồn gốc trong nước gồm: khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại, dầu thô, khí thiên nhiên khí than.

Đối với trường hợp doanh nghiệp không xuất khẩu mà bán cho doanh nghiệp khác để xuất khẩu thì doanh nghiệp mua hàng phải thực hiện kê khai thuế VAT như sản phẩm cùng loại do đơn vị xuất khẩu trực tiếp và phải chịu thuế xuất khẩu theo quy định. Cục Thuế các tỉnh, thành cần hướng dẫn doanh nghiệp trên địa bàn xác định sản phẩm và kê khai thuế theo quy định.

Dự thảo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính cũng quy định đối với các sản phẩm được áp dụng chính sách hoàn thuế. Theo đó, các cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế VAT trong các trường hợp: hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan và hàng hóa nhập khẩu sau đó lại đem đi xuất khẩu không; các doanh nghiệp có hành vi gian lận, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại trong 2 năm liên tiếp…

Thuế giá trị gia tăng (VAT) ngày càng trở thành một sắc thuế quan trọng và phổ biến trên thế giới. Nếu tính cả các sắc thuế có tính chất tương tự như thuế GTGT là thuế tiêu dùng/thuế hàng hóa dịch vụ, số quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014 và 166 nước năm 2016.

Trong giai đoạn 2009-2014, có khoảng hơn 20 quốc gia thực hiện điều chỉnh tăng thuế suất phổ thông thuế VAT. Hiện nay, mức thuế suất phổ thông VAT bình quân ở các nước OECD khoảng 19%, ở các nước khu vực EU khoảng 22% và Nhật Bản cũng đã điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%...

Bên cạnh xu hướng tăng mức thuế suất thuế GTGT và mở rộng cơ sở thuế, một số nước cũng nghiên cứu và áp dụng các biện pháp chống thất thu thuế, đặc biệt đối với các hoạt động kinh tế mới, hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và thương mại điện tử...

Việc sửa đổi và hướng dẫn thuế VAT với tài nguyên khoáng sản theo Bộ Tài chính là nhằm đáp ứng tình hình thực tế, trước vấn nạn xuất khẩu tài nguyên thô và tận khai thác các nguồn lợi từ tài nguyên, việc bãi bỏ quy định thuế nêu trên dễ tạo thêm kẽ hở và động lực kéo dài, thậm chí làm đậm thêm xu hướng này; ngoài ra, việc bỏ quy định này còn làm tăng xu hướng bao cấp ngược của Việt Nam (thí dụ như trong ngành xi măng, thông qua giá điện thấp) cho người tiêu dùng nước ngoài và dung dưỡng các doanh nghiệp dùng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn và làm căng thẳng cân đối năng lượng trên thị trường trong nước...

H.Anh 

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *