Thời sự 13/12/2018 09:43

“Bài toán nan giải” về tre – lùng tại Nghệ An, Thanh Hoá

Vùng phân bố cây lùng chủ yếu ở các huyện miền núi cao, chiếm tỷ lệ lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, chất lượng lao động thực tế còn thấp, lao động hầu như chưa được qua đào tạo... Đó là những rào cản lớn trong bối cảnh của yêu cầu sử dụng, phát triển bền vững cây lùng.

Lùng – lâm sản đa tác dụng, giá trị kinh tế cao

Ông Đặng Xuân Minh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết, là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, gần 1,2 triệu ha, chiếm trên 70% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, ngành lâm nghiệp ở Nghệ An được xem là một trong những ngành, lĩnh vực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh, cây lùng là cây đặc hữu trong những năm qua đã và đang đem lại giá trị kinh tế ngày càng cao cho người dân chăm sóc bảo vệ và khai thác bền vững.

Hội thảo chính sách phát triển chuỗi giá trị tre tổ chức ngày 12/12

Lùng là cây lâm sản ngoài gỗ đặc hữu, đa tác dụng có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với cây lâm nghiệp khác. Các sản phẩm chế biến từ cây lùng như mặt hàng mây tre đan xuất khẩu, tăm hương đều được sử dụng và mang lại nguồn thu nhập có giá trị cao cho người dân trong vùng có lùng.

Ngoài hiệu quả cao về mặt kinh tế, rừng lùng còn đem lại nhiều hiệu quả về mặt xã hội như giải quyết được việc làm cho người dân, đồng bào dân tộc, ổn định dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường sinh thái, tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ đất, hạn chế tác động của lũ lụt, điều hòa khí hậu.

Theo kết quả Kiểm kê rừng tỉnh Nghệ An năm 2015, tổng diện tích rừng tre, lùng toàn tỉnh là 44.090,68 ha phân bố trên 16 huyện thị xã, trong đó tập trung lớn nhật tại địa bàn huyện Quế Phong và Quỳ Châu với diện tích 32.646,17 ha (huyện Quế Phong có 18.359,93 ha và huyện Quỳ Châu có 14.286,24 ha).

Trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên quan đến lĩnh vực tre, lùng phân bố tại khu công nghiệp Nam Cấm và trên địa bàn hai huyện Quế Phong, Quỳ Châu.

Tuy nhiên, ông Minh cho hay, đến thời điểm này chỉ mới có 2 doanh nghiệp sản xuất có quy mô xuất khẩu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là Công ty Đức Phong tại Lô 15 KCN Nghi Phú và Cty TNHH Lâm sản Khánh Tâm tại huyện Quế Phong. Còn lại chủ yếu là hoạt động đơn lẻ, chế biến sản phẩm thô xuất bán ra thị trường phía Bắc, một phần còn lại chế biến thành các sản phẩm như hàng mây tre đan, làm hương phục vụ nhu cầu trong tỉnh.

Vấn đề bất cập còn nằm ở chỗ, vùng phân bố cây lùng chủ yếu ở các huyện miền núi cao, chiếm tỷ lệ lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, chất lượng lao động thực tế còn thấp, lao động hầu như chưa được qua đào tạo... Đó là những rào cản lớn trong bối cảnh của yêu cầu sử dụng, phát triển bền vững cây lùng.

Ngoài ra, việc phát triển sản xuất các loài lâm sản ngoài gỗ đặc biệt là cây lùng phải thực sự dựa vào khoa học, công nghệ, đây là công cụ chủ yếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững. Trong khi đó, hiện nay việc áp dụng và triển khai khoa học kỹ thuật công nghệ vào sử dụng, khai thác và phát triển đối với loài cây lùng vẫn còn ở mức rất hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị sản xuất của cây lùng

Thu nhập từ tre luồng chiếm hơn 50% thu nhập người dân trồng rừng

Tương tự, tại địa bàn Thanh Hoá, theo ông Nguyễn Đình Hải – Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, diện tích tre (luồng, lùng, nứa) trên địa bàn này lớn nhất cả nước, lên tới 152.600 ha chiếm hơn 23,56% tổng diện tích rừng và đất trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là nứa, lùng 50.880,67 ha; diện tích rừng trồng luồng thuần loài là 79 nghìn ha; ước tính mỗi năm sản lượng khai thác gần 94 triệu cây, bao gồm 42 triệu cây luồng và 52 triệu cây các loài tre nứa khác.

Thu nhập từ tre luồng chiếm hơn 50% tổng thu nhập của người dân, thậm chí một số nơi chiếm tới 70-80% tổng thu nhập vùng có diện tích rừng và đất lâm nghiệp tập trung. Do đó, Thanh Hóa có tiềm năng rất lớn để phát triển chuỗi giá trị tre và xem cây luồng là cây chủ lực, cây lùng, nứa là cây lợi thế của tỉnh.

Thế nhưng hiện nay Thanh Hoá cũng đang gặp những khó khăn, thách thức, như: việc trồng, chăm sóc, khai thác và sử dụng loài cây tre luồng còn nhiều bất cập, trồng rừng không tập trung, còn trồng nơi có độ cao, độ dốc lớn, người dân chưa có điều kiện tự đầu tư thâm canh, việc khai thác chưa đảm bảo kỹ thuật, còn khai thác cả luồng non, cường độ khai thác quá mức.

Các cơ sở chế biến tre luồng trên địa bàn tỉnh nhìn chung quy mô còn nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, nên sản phẩm chủ yếu là sơ chế, sản phẩm thô như: bột giấy, tăm, đũa,...chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao như: tre ép khối, ván sàn,...dẫn đến giá trị cây luồng hiện nay vẫn còn thấp và chưa tương xứng, phát huy hết tiềm năng.

Chính vì vậy, Dự án phát triển toàn diện và bền vững chuỗi giá trị tre tại Việt Nam” Hợp phần do Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam  thực hiện được cho là cơ hội để các cơ quan quản lý tiếp cận và từng bước làm quen áp dụng với cách thức quản lý mới.

Đặc biệt là người dân sinh sống trong vùng dự án sẽ từng bước được nâng cao về mọi mặt trong quá trình bảo vệ, phát triển, khai thác cây lùng một cách bền vững; các doanh nghiệp chế biến có thể áp dụng các mô hình kinh doanh hiệu quả và bền vững mang lại lợi ích cho người thu nhập thấp, có nguồn cung ứng sản phẩm tập trung, ổn định và đảm bảo; từ đó có định hướng thị trường và đủ năng lực đàm phán, hợp tác lâu dài ổn định với các công ty thương mại lớn trên thế giới.

Khi dự án này được triển khai thực hiện, sẽ là cơ hội thúc đẩy mối liên kết giữa 3 nhà: nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà nông, kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, đặc biệt là vùng cao vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *