Thời sự 30/11/2014 14:01

7 ngân hàng lại tranh nhau xiết nợ kho cà phê 'rác'

Khi phía Agribank cho xe tới phát mãi cà phê, hàng chục bảo vệ được một số ngân hàng thuê, cùng đại diện của một số ngân hàng đã tới phản đối.

Sự việc xảy ra tối 28/11, phía Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cho xe tới lấy cà phê trong kho của công ty Trường Ngân tại khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương.

 

Một ngân hàng thậm chí còn dùng một ô tô bảy chỗ đậu chắn ngang trước cổng kho hàng để chặn lối ra của các xe lấy cà phê, báo Tuổi trẻ phản ánh. Đại diện các ngân hàng này cho rằng kho cà phê mà ngân hàng Agribank phát mãi cũng trùng với kho cà phê mà Trường Ngân dùng làm tài sản vay vốn ngân hàng của họ.

 

Các xe tải lấy cà phê trong kho của công ty Trường Ngân vào tối 28/11. Ảnh: Tuổi trẻ
Các xe tải lấy cà phê trong kho của công ty Trường Ngân vào tối 28/11. Ảnh: Tuổi trẻ

 

Ngay trong tối cùng ngày, Công an thị xã Dĩ An đã tới bảo vệ trật tự. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, niêm phong các cửa xe và kéo xe bảy chỗ ra khỏi cổng kho cà phê.

 

Đồng thời, Công an thị xã Dĩ An cũng mời bảo vệ và đại diện của một số ngân hàng phản đối về trụ sở làm việc. Việc phát mãi kho cà phê sau đó tiếp tục được thực hiện.

 

Đây là lần thứ ba xảy ra sự việc như vậy. Trước đó đã có hai lần có ngân hàng tới phát mãi kho cà phê của Trường Ngân cũng bị các ngân hàng còn lại phản đối.

 

Công ty Trường Ngân vay vốn bảy ngân hàng (gồm Techcombank, MB, MSB, Vietinbank, VIB, OCB, Agribank) với tổng số vay lên tới 600 tỷ đồng. Khi cưỡng chế thi hành án kho chứa 3.360 tấn cà phê Công ty Trường Ngân cầm cố các ngân hàng, ngoài việc không trùng khớp số lượng, lực lượng chức năng còn phát hiện, khoảng 800 tấn rác gồm sỏi, vỏ cà phê, tro trấu… được độn trong các bao cà phê.

 

Ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch UB Giám sát Tài chính Quốc gia nhìn nhận, sự việc này cho thấy lỗ hổng trong quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại. Đây là hệ quả của quá trình các nhà băng cho vay dựa chủ yếu vào tài sản thế chấp. Đồng thời, những quy định của pháp  luật về đăng ký giao dịch đảm bảo cũng đang có nhiều kẽ hở dẫn tới hiệ tượng lách luật.

 

Tuy nhiên, ông Ngoạn cũng cho rằng, nên nhìn nhận ở cả khía cạnh doanh nghiệp. Ngoài tại “ả” thì cũng cả tại “anh”. Trong trường hợp này, doanh nghiệp là công ty Trường Ngân đã có hành vi cố tình lừa đảo.

 

Cơ sở hạ tầng tài chính của Việt Nam vẫn còn yếu ở những lĩnh vực quan trọng, trong đó, đáng lưu ý là mức độ minh bạch của chủ nợ và khách hàng vay thấp. Những kết quả đạt được trong hoạt động báo cáo tín dụng (CIC) vẫn chưa đủ và quyền của chủ nợ vẫn còn yếu trong những lĩnh vực quan trọng.

 

“Khuôn khổ pháp lý của chúng ta còn quá thiếu, không tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ, nên khi có tranh chấp xảy ra họ phải tự tìm cách bảo vệ lợi ích của mình. Vì thế, thời gian tới phải tăng cường và hoàn thiện pháp luật về đăng ký giao dịch đảm bảo” – ông Ngoại nói.

 

Về phía cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng phải làm rõ.

 

“Từ vấn đề, hành vi rất nhỏ nhưng lại hàm chứa nhiều hệ quả lớn, cho thấy khoảng trống lớn trong khuôn khổ pháp lý. Chúng ta phải hoàn thiện quy định pháp lý nếu không muốn trong tương lai tái diễn cảnh tượng tương tự”- ông Vũ Viết Ngoại nhấn mạnh.

Theo Khải An

Đất Việt

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *