Thời sự 13/05/2018 10:05

2 năm thí điểm, quản lý Grab – Uber vẫn dừng ở chỗ bàn bạc kiểu “5 người mà 10 ý”

Theo Bộ Tài chính, dự thảo nghị định về quản lý đối với loại hình vận tải kiểu Grab - Uber chưa tính đến yếu tố thuế; Bộ Tư pháp nên bình đẳng giữa các loại hình vận tải; Bộ Công An muốn có cơ sở dữ liệu để tra cứu khi cần. Riêng UBND Hà Nội quan tâm đến chuyện doanh nghiệp sẽ nộp thuế ở đâu nếu thí điểm ở Thủ đô nhưng trụ sở chính lại tận TP.HCM…

Sau 2 năm thí điểm với đủ những rắc rối phát sinh, dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thay thế Nghị định số 86 của Chính phủ vừa qua bước thẩm định của Bộ Tư pháp và đang được Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu, giải trình và lấy ý kiến các bộ ngành liên quan.

Góp ý cho dự thảo này, Bộ Công An cho rằng, dự thảo cần tính đến các yếu tố như kiểm soát số lượng, chất lượng xe và cả lái xe tham gia thí điểm loại hình vận tải này. Bởi các quy định về điều kiện kinh doanh với loại hình vận tải kiểu Grab – Uber này hiện vẫn còn rất sơ khai, đơn giản, chưa đầy đủ, dẫn đến việc khó kiểm soát. Đây chính là nguyên nhân gây ra một số vụ việc phức tạp về trật tự xã hội, liên quan đến lái xe và doanh nghiệp tham gia thí điểm.

Theo Bộ Công An, hiện nay, việc cung cấp dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình cho cơ quan chức năng phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm với loại hình kinh doanh kể trên vẫn còn rất hạn chế.

Do đó, Bộ Công an cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải cũng cần phối hợp một cách chủ động trong công tác xử lý vi phạm, trao đổi thông tin, dữ liệu liên quan đến số lượng đơn vị vận tải tham gia thí điểm, mẫu phù hiệu. Bởi, với số lượng xe nhiều, doanh nghiệp tham gia đông, lực lượng công an khó phân biệt các hãng khi phát hiện vi phạm và xử phạt liên quan đến vận tải đường bộ.

Đồng ý với một số điểm tại báo cáo mới đây của Bộ Giao thông Vận tải đánh giá toàn bộ hiện trạng của lĩnh vực kinh doanh này sau 2 năm thí điểm, song, theo Bộ Công an cần ấn định lộ trình thực hiện cụ thể đối với từng đề nghị, không để kéo dài thời gian thí điểm mà những bất cập thời gian qua vẫn chưa được giải quyết.

Ở khía cạnh khác, Bộ Tư Pháp góp ý rằng, việc quản lý đối với mô hình vận tải này cần phải trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo công bằng, minh bạch và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải. Đối với các địa phương đã thí điểm khi lượng xe tăng cao, Bộ Tư pháp đề nghị cần tính đến việc tạm thời không cấp mới phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi cho đến khi thực hiện quy hoạch về phương tiện và vận tải trên địa phương mình phù hợp với thực tiễn cũng như các quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ Thông tin và Truyền thông thì nhìn nhận, loại hình vận tải ứng dụng công nghệ ra đời đã tạo sức ép đối với các hãng taxi truyền thống đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, giám sát, điều hành. Đồng thời, tạo thêm thách thức cho hạ tầng giao thông, cho quản lý đảm bảo được trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải đối với các quyền lợi và sự an toàn của khách, cho quản lý thuế, cạnh tranh… Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý, khái niệm, phạm vi, phương pháp quản lý cũng như chế tài phù hợp… nên theo Bộ Thông tin và Truyền thông, một số địa phương hiện vẫn còn lúng túng trong quản lý.

Một số bộ ngành, địa phương thì cho rằng doanh nghiệp khi sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động để kinh doanh vận tải, bên cạnh việc phải tuân thủ quy định về thương mại điện tử còn phải tuân thủ quy định khác của ngành vận tải.

Bên cạnh đó trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Giao thông Vận tải cũng cần xem xét lại khái niệm cũng như cách phân loại “kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi”, “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” và “kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô” vì hiện nay ranh giới giữa các loại hình này không rõ ràng. Đồng thời, rà soát, đánh giá, loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Chẳng hạn, những quy định nhấn mạnh đến yếu tố “giấy tờ”, “niêm yết” là không phù hợp với các giao dịch và trong đó có việc giao kết hợp đồng được thực hiện trên môi trường điện tử.

Ngoài ra, các đơn vị này cũng đề xuất cần nới lỏng những quy định mang tính áp đặt về mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải truyền thống, từ đó giảm thiểu sự bất bình đẳng giữa chi phí thủ tục mô hình vận tải truyền thống với mô hình vận tải ứng dụng khoa học công nghệ. Các quy định đối với loại hình này nên xây dựng theo hướng mở chỉ đưa ra nguyên tắc quản lý, phân định quyền và nghĩa vụ đối với các bên tham gia chứ không quy định cứng nhắc…

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra xử lý đối với các xe chạy thí điểm không chấp hành dán logo phù hiệu, cần thiết thì mạnh tay chấm dứt hoạt động đối với các xe cố tình không chấp hành quy định. Bộ Giao thông Vận tải cũng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cùng với chế tài xử lý vi phạm đối với các đơn vị cung cấp phần mềm cũng như doanh nghiệp tham gia thí điểm hiện nay.

Bộ Tài chính thì quan tâm đến câu chuyện thuế khi cho rằng báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải còn thiếu nhiều nội dung liên quan đến việc xác định bản chất của hoạt động kết nối vận tải hành khách, những vướng mắc trong công tác quản lý, đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế chưa được phản ánh đầy đủ. Nói chính xác là chưa có những kiến nghị về thuế, đặc biệt là vướng mắc của Công ty Grab liên quan đến nghĩa vụ thuế phát sinh trên địa bàn TP Đà Nẵng mà báo chí phản ánh thời gian vừa qua.

Cũng liên quan đến nội dung này, UBND TP Hà Nội đề nghị làm rõ những hạn chế của khung pháp lý, năng lực thực thi của các cơ quan có liên quan đề thuế, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, cạnh tranh… liên quan đến hoạt động này. Đây là cơ sở quan trọng để quản lý loại hình kinh doanh này về lâu dài.

Theo UBND Hà Nội, dự thảo cần xem xét nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ thể, đối với doanh nghiệp thí điểm trên địa bàn Hà Nội, dù có trụ sở chính đặt tại TP.HCM hay các tỉnh khác thì vẫn cần có trách nhiệm nộp thuế cho TP Hà Nội để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng…

Ngoài ra, UBND Hà Nội cũng cho rằng cần bổ sung các quy định về kết nối tự động phần mềm tính cước với việc in hóa đơn điện tử, hệ thống dữ liệu hóa đơn tính tiền phải được lưu trữ đầy đủ và cung cấp cho cơ quan chức năng khi cần. Bên cạnh đó, cần thiết lập cổng thông tin điện tử kế nối chung với các đơn vị sử dụng ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ việc truy cập, tra soát từ xa và cho phép phân quyền để các cơ quan quản lý có thể kiểm tra bất cứ khi nào cần.

Tiếp thu cũng như giải trình các ý kiến đóng góp từ các bộ ngành, đơn vị có liên quan, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đến thời điểm này, Bộ Tư pháp đã thẩm định dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thay thế Nghị định số 86 của Chính phủ. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự thảo.

H. Anh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *