Thời sự 10/06/2015 16:44

“Lãi suất đã qua điểm đáy”

FICA – Với diễn biến như hiện tại, BVSC cho rằng mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay đã đi qua điểm đáy. Xu hướng của lãi suất trong thời gian sắp tới nhiều khả năng sẽ tăng dần với biên độ điều chỉnh mỗi lần không quá lớn.

Báo cáo kinh tế vĩ mô và thị trường vừa được CTCK Bảo Việt (BVSC) phát hành đánh giá, lãi suất là một trong những tâm điểm vĩ mô tháng 6.

Theo ghi nhận của BVSC, mặt bằng lãi suất trong thời gian gần đây đang dần phát đi những chuyển biến đáng chú ý. Một số ngân hàng như Agribank, ACB, Eximbank đã có động thái điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Cụ thể, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 6-36 tháng tại ACB đã được điều chỉnh tăng thêm 0,2% kể từ ngày 25/5. Tương tự, Eximbank công bố biểu lãi suất tiền gửi mới kể từ ngày 21/5 với mức tăng nhẹ ở một số kỳ hạn. Agribank cũng vừa thông báo tăng lãi suất tiền gửi bằng VND kể từ ngày 2/6 tại các kỳ hạn dài với mức tăng từ 0,3 – 0,5%/năm, mức lãi suất cao nhất lên đến 6,8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng (thay cho mức 6,3%/năm trước đây).

Như vậy, hiện tượng tăng lãi suất đã xuất hiện tại ít nhất 3 ngân hàng thuộc cả khối quốc doanh và cổ phần, có sự khác biệt so với những lần tăng lãi suất trong quá khứ thường được khởi xướng bởi các ngân hàng cổ phần có quy mô nhỏ. Tuy số lượng các ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất chưa nhiều, mang tính đơn lẻ, mức độ tăng cũng chưa lớn nhưng theo quan điểm của BVSC, đây có thể là tín hiệu đảo chiều của mặt bằng lãi suất huy động sau một thời gian dài liên tục suy giảm kể từ năm 2012 cho đến nay.

Theo BVSC, nguyên nhân cơ bản dẫn đến lãi suất tăng xuất phát từ yếu tố chênh lệch giữa cung - cầu vốn. Việc tín dụng khởi sắc đã và đang dần gây áp lực lên khả năng cân đối vốn của các ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/05 ước tính đã đạt 4,26%. Trong khi đó, ở phía cung, tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi đang không theo kịp với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Điển hình như tại Hà Nội, tổng dư nợ cho vay trong 5 tháng đầu năm nay tăng 8,7% so với cuối năm 2014 trong khi tăng trưởng huy động ở mức thấp hơn, đạt 7,1%. Bên cạnh đó, số liệu nêu trong báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho thấy tính đến ngày 31/3/2015, tổng vốn huy động trong nền kinh tế chỉ tăng 0,98% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng 1,7% của tín dụng cùng kỳ. Chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và tín dụng đã khiến tỷ lệ cho vay/huy động tăng nhẹ lên 84%, cao hơn mức 83% tại thời điểm tháng 12/2014.

Ở một góc nhìn khác, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong thời gian gần đâyđã không còn ở trạng thái quá dư thừa so với cùng kỳ năm 2014. Điều này được thể hiện qua diễn biến lãi suất liên ngân hàng đã có một đợt tăng nóng, thậm chí lên mức cao nhất kể từ đầu năm ngoái đến nay (5%/năm) trong giai đoạn giữa tháng 4 vừa qua. Mặc dù trong các tuần cuối tháng 5, đầu tháng 6, lãi suất liên ngân hàng đã giảm trở lại nhưng nhìn chung mặt bằng trung bình trong 5 năm tháng đầu năm 2015 đã cao hơn so với năm 2014. Thanh khoản không còn dư thừa trong khi tín dụng có nhiều cơ hội để khởi sắc cũng đã khiến việc phát hành Trái phiếu Chính phủ ở trong tình trạng rất khó khăn thời gian gần đây.

Với diễn biến như hiện tại, BVSC cho rằng mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay đã đi qua điểm đáy. Xu hướng của lãi suất trong thời gian sắp tới nhiều khả năng sẽ tăng dần với biên độ điều chỉnh mỗi lần không quá lớn.

Thực tế đợt điều chỉnh lãi suất huy động của 3 ngân hàng ACB, Eximbank, Agribank như trên chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn dài (18-36 tháng), phần nào cho thấy mục tiêu chính của các ngân hàng này là cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn. Tuy nhiên, xét ở triển vọng tăng trưởng tín dụng sẽ ngày càng tăng tốc trong quý III và quý IV trong khi nguồn vốn huy động có thể sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn nữa với kênh chứng khoán và bất động sản thì mặt bằng lãi suất huy động gần như không còn cơ hội để giảm thêm.

Về phía nhà điều hành, các mệnh lệnh hành chính theo hướng ép lãi suất tiếp tục giảm sẽ rất khó thực hiện và phải rất cân nhắc đến rủi ro tỷ giá. Mức chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD hiện vẫn được đảm bảo quanh mức 5% nhưng nếu lãi suất tiền Đồng tiếp tục bị ép giảm trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá vẫn chưa hoàn toàn được hóa giải thì động lực để dòng tiền chuyển từ VND sang USD sẽ ngày càng lớn. Hiện tượng này cùng với vấn đề nhập siêu sẽ là hai thách thức lớn cho cam kết điều hành tỷ giá của NHNN.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *