Thời sự 27/10/2017 08:12

"Khải Silk"- vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng hay làm hàng giả?

Vụ khăn lụa Khải Silk là một case thú vị về pháp luật kinh tế.

Để nền kinh tế thị trường có thể vận hành tốt, vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của Nhà nước là bảo vệ tài sản và hợp đồng.

Nền kinh tế thì cần có tự do hợp đồng. Tức là Nhà nước không can thiệp vào một giao dịch mua bán hàng hoá, sử dụng dịch vụ khi mà hai bên đã đạt được thoả thuận trên cơ sở không ép buộc, không lừa dối. Nhưng nếu có sự lừa dối khi giao kết hợp đồng, từ cái nhỏ như cân điêu ở chợ hay gian lận cước taxi, đến cái lớn như Huyền Như lừa đảo cả ngàn tỷ, thì đều cần có bàn tay Nhà nước can thiệp.

Đây không phải là hình sự hoá quan hệ dân sự kinh tế. Quan hệ dân sự kinh tế chính là quan hệ hợp đồng tự do thoả thuận. Nhưng nếu cái hợp đồng đó được lập dựa trên gian dối thì đó không còn là quan hệ dân sự kinh tế nữa. Nhà nước hoàn toàn có thể hình sự hoá.

Việc gian lận nguồn gốc hàng hoá có nguy hiểm cho xã hội không? Câu trả lời chắc chắn là có.

Lừa mỗi người vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, lừa hàng trăm người, hàng nghìn người qua cả chục năm thì giá trị trở nên rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Một hành vi gian lận để thu lợi bất chính lên đến hàng chục tỷ đồng chẳng nhẽ không xứng đáng bị xử lý hình sự?

Không chỉ dừng lại ở việc gây thiệt hại cho những người mua khăn, hành vi của gắn mác sai lệch này còn gây một tác động dài hạn, to lớn hơn là gây mất lòng tin của người tiêu dùng vào những nhãn mác gắn trên sản phẩm, hàng hoá, từ đó làm thui chột những doanh nghiệp đang nỗ lực kinh doanh chân chính.

Nếu Nhà nước không trừng phạt hành vi gian lận nhãn mác một cách thích đáng thì người tiêu dùng sẽ không còn tin vào nhãn mác hàng hoá nữa. Lúc đó sẽ làm mất đi động lực sản xuất hàng hoá có chất lượng cao của các doanh nghiệp. Đơn giản vì ai cũng sẽ có thể bán hàng chất lượng thấp và gắn mác chất lượng cao.

Có người lo ngại, nếu trừng phạt nặng doanh nghiệp như vậy sẽ làm giảm động lực đứng ra kinh doanh của người dân. Thực sự thì nếu việc trừng phạt đó được làm một cách công khai, minh bạch hoàn toàn, khiến cho bất kỳ ai cũng hiểu đó là trừng phạt duy nhất hành vi gian lận (mà đằng sau đó không phải là đánh đấm, phe cánh, hay giơ cao đánh khẽ để kiếm tiền), thì nó chỉ làm giảm động lực kinh doanh gian lận, chứ không thể làm giảm động lực kinh doanh chân chính.

Bộ luật Hình sự có 4 tội có thể áp dụng: (1) Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; (2) Tội quảng cáo gian dối; (3) Tội lừa dối khách hàng; (4) Tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Với nội dung của các điều luật hiện tại của cả BLHS 1999 và 2015 thì khép tội nào cũng khiên cưỡng.

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả có vẻ là giải pháp tốt nhất vì Nghị định 185/2013 coi hàng giả về nguồn gốc xuất xứ cũng là “hàng giả”. Tuy nhiên, đây lại là một Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, không phải là luật và chưa chắc đã được Toà án công nhận là định nghĩa chính xác.

Hồi làm Bộ luật Hình sự 2015, tôi đã kiến nghị phải nghiên cứu nhập 4 tội trên lại. Về bản chất, trong kinh doanh thương mại, 4 tội này có đặc điểm chung là đều nói đến hành vi mà người bán (1) biết thông tin chính xác về hàng hoá, dịch vụ nhưng (2) cố ý (3) cung cấp thông tin sai sự thật hoặc im lặng (4) để người mua hiểu nhầm về chất lượng, giá cả, số lượng của hàng hoá dịch vụ đó (5) nhằm mục đích thu lợi bất chính. Yếu tố định khung là giá trị lợi ích bất chính KỲ VỌNG thu được.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì đòi hỏi phải tìm được người bị lừa đảo và giá trị phải từ 2 triệu trở lên. Tội này thường được sử dụng để xử lý hành vi đơn lẻ mang tính dân sự hơn là các hành vi kinh tế mang tính hàng loạt.

Tội quảng cáo gian dối thì là hành vi trên nhưng chỉ áp dụng khi việc cung cấp thông tin sai sự thật được thực hiện thông qua các phương tiện quảng cáo. Tội này miêu tả hành vi rất ngớ ngẩn – “người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ” – và nghe nói là chưa xử được vụ nào bao giờ.

Tội lừa dối khách hàng cũng là hành vi trên nhưng chỉ áp dụng khi nội dung thông tin cung cấp sai là số lượng, khối lượng hàng hoá, dịch vụ. Tội này có yếu tố cấu thành vật chất không phù hợp vì đòi hỏi “thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên”. Như vậy, nếu bạn bị phát hiện là đã lừa dối 1 khách hàng với giá trị từ 5 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự. Nhưng nếu bạn bị phát hiện gian lận đồng hồ đo xăng, đồng hồ đo cước taxi… thì rất khó có thể chứng minh giá trị vượt quá 5 triệu đồng.

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả cũng tương tự, nhưng chỉ áp dụng cho hàng hoá (không áp dụng với dịch vụ) có tên gọi, tem, nhãn, bao bì, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã đang ký, công bố không đúng với hàng hoá đang bán. Vậy nên nếu bên bán dùng lời nói (kể cả đã chứng minh bằng ghi âm, ghi hình) thì cũng không thể xử lý về tội này.

Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI))

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *