Thời sự 15/06/2014 08:00

Xử lý nợ xấu: VAMC thiếu quyền đặc biệt

Hơn 47.000 tỷ đồng nợ xấu đã được VAMC thực hiện mua lại từ các ngân hàng, hàng trăm khách hàng đã được VAMC cơ cấu lại nợ.

 VAMC chưa có quyền tự bán tài sản đảm bảo

VAMC chưa có quyền tự bán tài sản đảm bảo

CôngThương - Quyền chưa đủ mạnh

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng- Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, 5 tháng đầu năm, VAMC đã mua 6.075 tỷ đồng nợ gốc của 13 tổ chức tín dụng (TCTD), nâng tổng số nợ xấu mà tổ chức này mua từ khi bắt đầu hoạt động tới nay lên 47.401 tỷ đồng.Tính đến ngày 20/5/2014, VAMC đã cơ cấu lại nợ cho 103 khách hàng với dư nợ gốc là 8.712 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 10 khách hàng của 6 TCTD với tổng số tiền 55,19 tỷ đồng. Tháng 6/2014, VAMC sẽ thực hiện đấu giá khoản nợ 390 tỷ đồng và ủy quyền cho TCTD xử lý một khoản nữa khoảng 500 tỷ đồng, con số nợ xấu VAMC bán và thu hồi nợ trong 6 tháng đầu năm có thể tăng lên 1.500 tỷ đồng. “Mục tiêu phấn đấu trong năm 2014 của VAMC là bán và thu nợ được khoảng 2.500 tỷ đồng”- ông Hùng cho biết.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý nợ xấu thời gian qua còn chậm, thậm chí có lúc chững lại, điều này ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng, nhất là trong bối cảnh từ tháng 6/2014, Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro chính thức được thực hiện sẽ khiến nợ xấu tăng lên. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng- Tiến sĩ Cấn Văn Lực- cho rằng: Hiện nay, trong vấn đề xử lý nợ xấu còn hai vướng mắc quan trọng cần tháo gỡ, đó là cơ chế hay thị trường mua bán nợ. Cụ thể là sau khi VAMC đã gom nợ lại rồi thì họ sẽ xử lý nó thế nào, bán thế nào và bán cho ai.

Vướng mắc thứ 2 liên quan tới việc xử lý tài sản đảm bảo, do chúng ta chưa ban hành cho VAMC quyền đặc biệt, tức là đơn vị có thể bán tài sản đảm bảo đó đi mà không cần phải xin sự chấp thuận của bên đi vay. “Tại Việt Nam chưa có quyền đó nên việc xử lý nợ xấu vẫn cứ nhùng nhằng, đây chính là vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay”- ông Lực nhấn mạnh.

 Ông Nguyễn Quốc Hùng  Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC:

VAMC cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong việc bán nợ xấu, ngoài ra Bộ Tư pháp sớm ban hành thông tư hướng dẫn về bán đấu giá khoản nợ và tài sản bảo đảm. VAMC cũng cần những chính sách nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài mua nợ, tài sản trong đó chủ yếu liên quan đến sở hữu bất động sản.

Hình thành thị trường bán nợ

Để đẩy nhanh hơn nữa quá trình xử lý nợ xấu, VAMC đang xúc tiến hình thành thị trường bán nợ trong năm nay, đồng thời xây dựng đề án bán nợ theo giá thị trường. Theo ông Hùng, việc mua bán nợ theo giá thị trường sẽ được làm thí điểm trong thời gian tới với một số khoản nợ có giá trị nhỏ. Tuy nhiên, để làm được điều này thì vốn điều lệ của VAMC phải tăng lên ít nhất 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, khó khăn khi bán nợ theo giá thị trường còn phải kể đến vấn đề thủ tục khi định giá, mỗi lần thay đổi bước giá phải mất khoảng 2 tháng nên sẽ gây kéo dài thời gian xử lý nợ xấu. “VAMC rất mong cơ quan quản lý, Chính phủ chỉ định công ty định giá có uy tín chịu trách nhiệm thực hiện việc này để đảm bảo công khai, minh bạch và khách quan. Từ đó, VAMC yên tâm đấu giá bán tài sản trên cơ sở mức định giá của công ty này”- ông Hùng kiến nghị. Được biết, VAMC đã xây dựng danh mục chào bán 10 tài sản bảo đảm với tổng giá trị là 7.800 tỷ đồng, gồm các dự án chung cư, cao ốc văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng, khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hải Dương. Thời gian tới, số nợ xấu được VAMC bán và thu hồi nợ có thể là 5.000 – 10.000 tỷ đồng, thậm chí là 20.000 tỷ đồng nếu kinh tế khởi sắc trở lại.

Do khả năng tham gia mua nợ xấu của các các nhà đầu tư trong nước khá hạn chế, trong khi đó, việc bán nợ cho đối tác ngoại cũng gặp nhiều khó khăn do vướng cơ chế pháp lý nên VAMC cũng đã đề nghị được phát hành tín phiếu để có tiền mua nợ.

Thùy Linh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *