Doanh nghiệp 08/01/2014 22:22

Tem rượu bán "nhỏ giọt", doanh nghiệp kêu lỗ hàng chục tỷ

Chỉ vì không mua được tem thuế rượu để dán, có doanh nghiệp đã mất đến 40 tỷ đồng doanh thu trong 1 tháng.

Giữa tháng 11/2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 160/2013/TT-BTC về việc "Hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước”. Theo đó, từ 1/1/2014, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu phải dán tem cho sản phẩm rượu của mình.

 

Chỉ trong 1 tháng, doanh nghiệp mất tới 40 tỷ đồng

Quy định này đang làm nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu trong nước “than trời” vì lỗ, thậm chí nhiều doanh nghiệp lỗ đến hàng chục tỷ đồng.

 

Ông Vương Toàn, Giám đốc Nhà máy cồn rượu Hà Nội cho rằng, ông rất ủng hộ quy định dán tem thuế. “Tôi cho rằng đây là một trong các biện pháp để đảm bảo nộp thuế cho Nhà nước. Nhưng quan trọng hơn cả là để khẳng định về sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng”.

 

Việc dán tem rượu từ ngày 1/1/2014 làm nhiều doanh nghiệp lỗ hàng chục tỷ đồng (ảnh: KT)


Tuy nhiên, ông Toàn cho biết, cách đây 1-2 tuần, Nhà máy cồn rượu Hà Nội đã ngày đêm bắt tay vào việc dán tem thủ công với các lô hàng còn tồn trong kho. Tuy nhiên, số lượng tem mua được rất ít, nên chỉ dán được một lượng nhỏ rượu hiện có của nhà máy. “Tết là dịp làm ăn của các doanh nghiệp nhưng do không có hàng để bán ra thị trường, chỉ riêng trong tháng 12, chúng tôi đã mất đi 40 tỷ đồng doanh thu. Chúng tôi cho rằng, cần phải xem xét lại việc dán tem và có thể lùi thời hạn lại, vì rượu trong kho thì tồn rất nhiều, nhưng lại cung cấp hạn chế ra thị trường cũng chỉ vì... thiếu tem. Mà các doanh nghiệp có uy tín không có rượu bán ra thị trường, người dân sẽ phải mua các loại rượu khác không đảm bảo an toàn”.

 

Ông Toàn cũng cho rằng, giá tem hiện nay cũng còn khá cao, với giá 400 đồng/tem, khi dán xong cộng thuế tất thì giá đội lên khoảng 800 đồng/lít rượu. Doanh nghiệp còn chưa biết được trong đó đã tính thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác chưa?. “Thuế là một trong những nội dung để ngành Tài chính quản lý, nhưng khi dán tem vào, tự nhiên thuế lại tăng lên, người tiêu dùng lại phải gánh. Chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu lại thời gian dán tem”- Ông Toàn đề nghị.

 

Cũng trăn trở như ông Toàn, đại diện công ty Cổ phần Vang Thăng Long cũng cho rằng, doang nghiệp cũng đang vào giai đoạn nước rút bán hàng Tết, nhưng không có hàng để bán chỉ vì thiếu tem rượu. “Đây là thời điểm kinh doanh tốt nhất trong năm của các doanh nghiệp, nhưng Thông tư 160 ra đúng vào dịp này khiến chúng tôi trở tay không kịp. Hiện nay Công ty Cổ phần Vang Thăng Long còn tồn trong kho đến 2 triệu lít rượu chỉ vì không mua được tem để dán. Có ngày, chúng tôi đi mua tem, lúc thì được và ngàn tem, lúc thì không mua được vì máy hỏng. Ngay chiều nay, chúng tôi cũng ra xếp hàng để chờ mua tem, không biết có mua được không?”.

 

Đại diện công ty Cổ phần Vang Thăng Long cũng cho biết, chỉ riêng trong tháng 12, công ty này cũng đã lỗ tới 20 tỷ đồng.

 

Văn bản Luật khi ban hành cần đồng bộ

 

Theo ông Vương Toàn, khi Thông tư 160 về tem thuế ban hành, các văn bản này đến quận, huyện, phường xã không đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn phụ thuộc vào việc tem được chuyển fax đến nơi nhanh hay chậm, ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các doanh nghiệp. Việc này cũng tạo điều kiện để các loại rượu không được kiểm soát hoành hành trên thị trường và người thiệt hại nhất vẫn là người tiêu dùng.

 


PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam


PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cho rằng, Thông tư 160 của Bộ Tài chính quá chậm trễ, gây khó cho doanh nghiệp. Nghị định 94 của Chính phủ ra từ tháng 11/2012, nhưng đúng 1 năm sau, đến tháng 11/2013, Bộ Tài chính mới ra Thông tư. “Việc chậm trễ như vậy gây khó cho nhà sản xuất, cho người kinh doanh, hệ thống khách hàng cũng như quy trình triển khai của nhà máy đều gặp khó khăn. Các doanh nghiệp mua tem đều rất khó, lại đúng vào dịp Tết nên họ không có rượu để bán, bởi sản phẩm lưu hành trên thị trường, không dán đủ tem sẽ bị thị thường phạt”- Ông Việt nói.

 

Ông Việt cho biết, Hiệp hội Bia – Rượu-Nước Giải khát Việt Nam Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính nên giãn thời hạn thực hiện thông tư đến tháng 4/2014.

 

Tại cuộc Tọa đàm về An toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu do Hiệp hội Bia-Rượu-Nước Giải khát Việt Nam tổ chức hôm qua (7/1), đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, một số quy định về dán tem sản phẩm rượu trong thời gian hiện nay cũng đang làm nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong năm 2014, Bộ sẽ điều chỉnh một số quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trong Thông tư 39 phù hợp hơn với thực tế.

Theo Minh Hòa

VOV

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *