Tiêu Dùng 11/03/2014 07:24

Trong tháng 3 sẽ xây dựng chính sách quản lý dịch vụ OTT

FICA - Báo cáo quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong tháng 3/2014 sẽ xây dựng chính sách quản lý đối với các dịch vụ liên lạc trên mạng Internet di động (dịch vụ OTT).

Báo cáo quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy trong tháng 1 và 2/2014 vừa qua tin nhắn rác bắt đầu tăng trở lại qua dịch vụ điện thoại, nhắn tin miễn phí trên Internet (OTT)., như Viber, Zalo, WhatsApp.... Và, một trong những công tác trọng tâm trong tháng 3/2014 của Bộ TT&TT là sẽ xây dựng chính sách quản lý đối với các dịch vụ liên lạc trên mạng Internet di động (dịch vụ OTT).

Trước đó, cuối tháng 10/2013, Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã ra Chỉ thị số 75/BTTTT yêu cầu các nhà mạng chủ động nghiên cứu và thử nghiệm mô hình hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ điện thoại, nhắn tin miễn phí trên Internet (OTT).

Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son yêu cầu Cục Viễn thông nghiên cứu tình hình phát triển công nghệ, dịch vụ mới, đặc biệt là OTT để đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả kinhd oanh dịch vụ viễn thông nói chung, dịch vụ viễn thông quốc tế nói riêng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ, hợp tác cùng có lợi giữa các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT.

Chỉ thị cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải chủ động nghiên cứu và thử nghiệm mô hình hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ OTT. Bộ trưởng yêu cầu doanh nghiệp viễn thông phải xem xét và đề xuất với Cục Viễn thông giá cước dịch vụ truy cập Internet trên di động và các gói cước áp dụng với dịch vụ OTT nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, cũng như của doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT.

Bộ TT&TT sẽ sớm xây dựng chính sách quản lý các dịch vụ OTT.

Đứng ở góc độ nhà quản lý, Bộ TT&TT đã nhiều lần khẳng định sẽ không “cấm” dịch vụ tiên tiến như OTT bởi đây là xu hướng của toàn cầu. Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển cũng như sự bùng nổ của các dịch vụ OTT, dù các nhà mạng và OTT đã nhiều lần ngồi lại đàm phán về cách hợp tác nhưng cho đến nay cả hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng kinh doanh của Tập đoàn Viettel cho biết quan điểm của nhà mạng là hoàn toàn cởi mở với các doanh nghiệp OTT để tìm cơ hội hợp tác. Tuy nhiên, mô hình hợp tác giữa hai bên hiện vẫn đang ở giai đoạn rất sơ khai

Viettel cho rằng để quản lý các dịch vụ OTT, Bộ nên quản lý theo những hướng bảo vệ người dùng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Theo ông Dũng, hiện tại các dịch vụ OTT được tự do quảng cáo theo cách riêng của mình, không theo một lề lối kinh doanh và cũng không có ai kiểm chứng. Ông Dũng cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam chưa bị đưa vào “quy củ” vì Việt Nam chưa có quy định về đặt máy chủ, cấp phép và về thuế suất. Chính điều này đã dẫn tới môi trường kinh doanh chưa bình đẳng giữa doanh nghiệp OTT trong nước, nước ngoài, và các nhà mạng cung cấp hạ tầng.

Tại buổi Toạ đàm Triển vọng thị trường viễn thông Việt Nam 2014, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc MobiFone, cho rằng OTT đang hoạt động không khác gì một nhà mạng (telco) khi cung cấp đầy đủ dịch vụ SMS, MMS, thậm chí cả tin nhắn thoại. Trong khi đó, về mặt luật pháp, ông Chiến nhấn mạnh, hiện tại chưa có quy định gì về giấy phép đối với OTT, và những dịch vụ này không phải tuân thủ theo một chế tài nào cũng chưa có đóng góp gì cho Nhà nước.

Đại diện MobiFone cho rằng Cục Viễn thông cần sớm có hướng dẫn cụ thể đối với kinh doanh OTT.

Tuy vậy, MobiFone cho biết vẫn nỗ lực để có tiếng nói chung với OTT và nhà mạng này đã có những cuộc gặp gỡ với Viber, Zalo để bàn cách hợp tác cùng có lợi nhưng cách tiếp cận của nhà mạng và OTT đang khác nhau. “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi đàm phán với các OTT để có tiếng nói chung. Muốn phát triển phải chung tay đóng góp chứ đang đứng ở 2 cực xa thế này thì không thể”, ông Chiến nhấn mạnh MobiFone sẵn sàng mở kênh phân phối giá trị gia tăng cho OTT. Ông Chiến cho rằng, sau công nghệ 3G là 4G, 5G nhưng nếu nhà mạng không có lợi nhuận sẽ không thể đầu tư tiếp cho công nghệ mới. Bản thân OTT cũng hiểu được điều này. Mong 2 bên cùng cởi mở để cùng có đóng góp nhất định để xã hội cùng phát triển.

Trong khi đó, nhà mạng VinaPhone cũng cho biết đã đàm phán, tiếp xúc với khá nhiều OTT nhưng việc hợp tác chưa được như mong muốn. Nhà mạng này cho rằng trong thời gian tới khi các cơ quan quản lý Nhà nước có khung về quản lý, các OTT cũng có sự cạnh tranh, loại thải, thì giữa mạng viễn thông truyền thống và OTT sẽ có tiếng nói chung, nhằm mục đích cho khách hàng có sự trải nghiệm dựa trên sự ổn định của mạng viễn thông và sự phong phú của OTT.

Khôi Linh

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *