Thời sự 25/01/2016 09:20

VEPR kiến nghị dỡ bỏ trần lãi suất huy động

Các chuyên gia tại VEPR cho rằng, cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn.

Việc đẩy mạnh tín dụng vượt xa mức tăng trưởng GDP danh nghĩa đang tạo ra những rủi ro mất ổn định kinh tế vĩ mô
Việc đẩy mạnh tín dụng vượt xa mức tăng trưởng GDP danh nghĩa đang tạo ra những rủi ro mất ổn định kinh tế vĩ mô
 

Rủi ro từ tăng trưởng tín dụng nhanh

Theo nhận định tại báo cáo vĩ mô vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phát hành, cầu tín dụng năm 2015 tăng cao hơn so với năm 2014 và tương đối ổn định trong các tháng cuối năm.

Tổng dư nợ tín dụng tính đến 18/12/2015 đã tăng 17,02% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng trong quý 4 tiếp tục dưới mức tăng trưởng huy động, chênh lệch luôn ở mức 3,5-3,7%. Điều này tạo ra sức ép không nhỏ lên mặt bằng lãi suất huy động trong nước.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có 11 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn từ 0,1-0,5%/năm trong tháng 12.

Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng nhanh, GDP danh nghĩa năm 2015 chỉ tăng 6,48%, thấp hơn nhiều mức tăng hai chữ số các năm trước. Việc đẩy mạnh tín dụng vượt xa mức tăng trưởng GDP danh nghĩa đang tạo ra những rủi ro mất ổn định kinh tế vĩ mô - VEPR lo ngại.

Nhóm chuyên gia cho rằng, nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ.

Theo VEPR, mặt bằng lãi suất huy động - cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016. Do đó, VEPR kiến nghị, cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn.

Dự báo tỷ giá biến động 3-4% trong năm 2016

Cũng tại báo cáo này, VEPR nhận xét, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định trong nửa đầu Quý 4/2015, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại (NHTM) và thị trường tự do đều hạ nhiệt so với thời điểm Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY). Tuy nhiên, nhu cầu ngoại tệ tăng cao vào cuối năm khiến sức ép tăng tỷ giá quay trở lại. Giá USD niêm yết tại các NHTM liên tục ở mức sát trần trong tháng 12.

Ngày 31/12, NHNN đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá tham chiếu của đồng Việt Nam với USD hàng ngày, thay cho tỷ giá liên ngân hàng cố định trước đây. Tỷ giá tham chiếu mới được xác định dựa trên cung, cầu ngoại tệ trên thị trường và giá trị của đồng nội tệ so với 8 đồng tiền tham chiếu.

Như vậy, cơ quan điều hành đã chuyển sang cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý và thực hiện một bước tiến đáng kể trong việc thay đổi chính sách điều hành theo hướng thị trường hơn - theo VEPR. Theo đó, những tín hiệu thị trường sẽ được phản ánh vào tỷ giá tham chiếu.

Nhóm chuyên gia đánh giá, NHNN đã tương đối thành công khi dỡ bỏ cơ chế tỷ giá cố định mà không gây ra những biến động lớn. Kỳ vọng thị trường và trạng thái ngoại tệ của các NHTM đã được kiểm soát tốt bằng việc bán phái sinh ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng, ngay trước thời điểm công bố cơ chế mới.

"Chúng tôi cho rằng về cơ bản, cơ chế điều hành tỷ giá mới phù hợp với những đặc tính của thị trường Việt Nam khi chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để vận hành một cơ chế trong đó thị trường đóng vai trò quyết định trong việc xác định tỷ giá" - báo cáo ghi nhận.

Thị trường ngoại hối trong năm 2016 tiềm ẩn những yếu tố rủi ro ngoại sinh, đáng kể nhất là nguy cơ khủng hoảng phát sinh từ các thị trường mới nổi, tuy nhiên các yếu tố quan trọng hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá đều tương đối tích cực.

Cụ thể, Trung Quốc đang ghi nhận những tín hiệu tương đối tích cực từ khu vực tiêu dùng và dịch vụ, sẽ có nhiều động lực kiểm soát biên độ mất giá của đồng CNY ở mức vừa phải, dưới 5%.

FED đang trong quá trình tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên sẽ gây sức lên tỷ giá trong nước. Chỉ số USD tháng 12 đạt mức 99,39, cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây và vẫn đang trong xu hương tăng. Tuy nhiên, với việc FED chưa thực hiện giảm quy mô tài sản nắm giữ, thanh khoản tại các thị trường đang phát triển chưa bị ảnh hưởng thật sự mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư vào nội địa đang có dấu hiệu khả quan sau khi đàm phán TPP được hoàn thành và làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ.

Từ những phân tích trên, VEPR dự báo, tỷ giá sẽ không chứng kiến những cú sốc lớn như trong năm 2015, và biến động khoảng 3-4% trong năm 2016.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *