Thời sự 23/03/2015 15:56

EUR giảm sâu, USD tăng mạnh: Ai chịu thiệt, ai hưởng lợi?

FICA - Theo ACBS, việc giảm giá của đồng EURO sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam năm 2015 khi các quốc gia châu Âu nói chung nhập khẩu khoảng 28 tỷ USD. Tuy nhiên, việc đồng EUR giảm giá sẽ giúp các doanh nghiệp vay EUR được hưởng lợi.

Hiện tại, 1 đồng EURO hiện đang đổi được 1,06 đồng USD, giảm 13% so với đầu năm và 24% so với cùng thời điểm năm ngoái và là mức thấp nhất so với đồng USD trong hơn 1 thập kỷ qua, khi chương trình mua trái phiếu QE của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu tuần trước.

Tại báo cáo phân tích của CTCK Ngân hàng ACB (ACBS), nhóm phân tích cho biết, theo kế hoạch, ECB sẽ mua khoảng 60 tỷ EURO mỗi tháng cho đến tháng 9/2016, tương ứng với tổng giá trị là hơn 1.000 tỷ EURO.

Theo Goldman Sachs dự báo tỷ giá sẽ ở mức 1,02; 1,00 và 0,95 USD đổi 1 EUR trong vòng 3, 6 và 12 tháng tới. Cuối 2016, tỷ giá sẽ ở mức 0,85 USD đổi 1 EUR và cuối 2017 sẽ giảm xuống còn 0,8 USD đổi 1 EUR.

Ở Việt Nam, NHTMCP ACB (HNX: ACB) đang chào mua vào EURO ở mức 22.534 đồng, giảm 13% so với đầu năm và 23% so với cùng thời điểm 2014.

Theo ACBS, việc giảm giá của đồng EURO sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam năm 2015 khi các quốc gia châu Âu nói chung nhập khẩu khoảng 28 tỷ USD (~19% trong 150 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu VN) năm ngoái. Trong đó, điện thoại di động và linh kiện, giày dép, dệt may, máy vi tính và linh kiện, cà phê và thủy sản sẽ chịu tác động mạnh nhất khi đang đóng góp tương ứng 30%, 13%, 7%, 5% và 5% vào tổng kim ngạch xuất khẩu đi châu Âu.

Nhờ mặt hàng tôm có tăng trưởng xuất khẩu vào châu Âu đạt 66,7% trong năm 2014, ngành thủy sản vừa trải qua một năm ấn tượng. Do tôm Việt Nam nhận được nhiều lợi thế ở thị trường châu Âu như chất lượng cao, thuế nhập khẩu thấp, … so với Thái Lan, Ấn Độ, nhóm phân tích kỳ vọng tác động của việc giảm giá đồng tiền EURO vào các doanh nghiệp niêm yết xuất khẩu tôm như MPC, FMC, CAD, CMX … sẽ không đáng kể.

Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam nhập khoảng 8,8 tỷ USD hàng hóa từ châu Âu (~6% tổng kim ngạch nhập khẩu) trong năm ngoái, nên đồng EURO giảm giá sẽ làm giá cả hàng hóa tiêu dùng giảm đôi chút. Bất kể kỳ nghỉ lễ Tết dài vừa qua, CPI tháng Hai giảm 0,25% so với cuối năm ngoái, gây lo ngại cho các nhà làm luật và kéo theo đó là việc tăng giá điện bán lẻ thêm 7,5% lên mức trung bình 1.622 đồng/kWh từ hôm nay 16/03, và giá xăng trong nước thêm 10% lên mức 17.286 đồng/lít đối với xăng A92.

Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn vào rổ hàng hóa, hầu hết các thành phần đều tăng giá. Thực tế, tiêu dùng cuối cùng (điều chỉnh lạm phát) trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng 10% so với cùng kỳ, trải đều từ bán lẻ, lưu trú đến các dịch vụ khác, cho thấy cầu tiêu dùng tiếp tục cải thiện. Vì vậy, ABCS kỳ vọng một chút lạm phát gây ra bởi việc tăng giá xăng và điện sẽ giúp duy trì sự tăng tốc của nền kinh tế.

Theo ACBS, cả Mỹ và EU đều là 2 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU và Mỹ lần lượt đạt 27,9 tỷ USD và 28,6 tỷ USD, chiếm 19,5% và 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Việc đồng EUR giảm mạnh so với đồng USD trong khi đồng VND được neo theo giá trị USD đồng nghĩa với việc đồng VND đang tăng giá so với EUR. Điều này sẽ khiến hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào khu vực Châu Âu trở nên đắt đỏ hơn hàng hóa của các nước áp dụng chính sách tỷ giá hối đoái thả nổi như Indonesia hay Philippines. Do đó hàng hóa của Việt Nam sẽ cạnh tranh kém hơn hàng hóa của các nước khác xuất vào Châu Âu.

Bên cạnh đó, đồng USD tăng mạnh trong khi tỷ giá giữa USD/VND giữ nguyên (do chính sách neo tỷ giá theo giá trị USD của Việt Nam) sẽ đồng nghĩa với việc đồng VND tăng giá so với các đồng tiền khác. Điều này không làm cho giá cả hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Mỹ đắt hơn mà làm cho giá cả hàng hóa của các nước không neo tỷ giá theo USD vào Mỹ trở nên rẻ hơn so với hàng Việt Nam. Từ đó làm giảm tính cạnh tranh của mặt hàng Việt Nam xuất vào Mỹ.

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn vào EU và Mỹ gồm giày dép, hàng dệt may, hải sản… Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may và thủy sản như TCM, HVG, VHC, MPC, FMC…có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, việc đồng EUR giảm giá sẽ giúp các doanh nghiệp vay EUR được hưởng lợi. Cụ thể, các doanh nghiệp ngành xi măng có tỷ lệ vay EUR cao sẽ được hưởng lợi nhiều nhất như BCC, HT1, BTS…

Tính đến cuối năm 2014, BCC vay khoảng 37,8 triệu EUR, HT1 vay khoảng 70 triệu USD, BTS vay khoảng 41,5 triệu EUR. Với việc đồng EUR giảm 13% so với đầu năm, ước tính quý 1/2015, BCC, HT1, BTS có thể ghi nhận lần lượt 127, 235 và 140 tỷ đồng lợi nhuận từ đánh giá lại khoản vay.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *