Thời sự 16/03/2015 16:55

Tỷ giá USD/VND tạo “sóng lớn” và tâm lý kỳ vọng

FICA - Chiều nay 16/3, giá USD được các ngân hàng điều chỉnh tăng tiếp 20 -30 đồng và với mức tăng 60 đồng/ 1 USD trong ngày, “đồng bạc xanh” đã đạt mức 21.500 đồng/1 USD.

Chiều nay 16/3, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 21.400 VND (mua vào) - 21.460 VND (bán ra), tăng 20 VND mỗi USD so với buổi sáng.

Sau 19 lần điều chỉnh kể từ lúc mở cửa, ACB đang để giá là  21.400 VND - 21.480 VND, cao hơn sáng cùng ngày 40 VND. Eximbank tăng thêm 30 VND, giao dịch ở mức 21.390 VND - 21.470VND.

Tương tự, tại Techcombank, giá USD cao hơn buổi sáng 20 VND và 35 VND mỗi chiều, lên mức 21.370 VND - 21.480 VND.

Đặc biệt, trên website SCB niêm yết giá bán lên tới 21.550 VND, giá mua là 21.340 VND. Đây là mức giá USD bán ra cao nhất tại hệ thống ngân hàng hiện nay.

Trước đó, trong phiên giao dịch buổi sáng, các ngân hàng cũng tăng phổ biến 20 - 30 VND/1 USD so với chốt phiên hôm qua. Tính từ sáng tới nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 60 VND.

Đây là đợt biến động mạnh nhất của “giá đồng bạc xanh” kể từ đầu năm đến nay.Cùng với đó, biên độ mua vào - bán ra cũng được các ngân hàng nới rộng nhằm tránh rủi ro. Hiện, biên độ mua - bán phổ biến ở mức 80-90 VND, cá biệt có nơi để đến hơn 200 VND.

Ảnh hưởng từ thị trường chính thức, giá USD tự do cũng neo ở mức cao, có nới bán ra trên 21.700 VND. Tuần trước, giá USD tự do đã tăng khoảng 30 VND. Như vậy, từ sau Tết đến nay giá USD trên thị trường tự do tăng khoảng hơn 200 VND/USD.

Diễn biến tỷ giá trong mấy ngày qua được giới chuyên gia nhận định là do tâm lý kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh ngay 1% trong vài ngày tới chứ không phải là do nhu cầu thị trường. Thời điểm này chưa cho thấy sự tăng lên về nhu cầu ngoại tệ của thị trường, doanh nghiệp.

Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), khả năng phá giá tiền đồng trên 2% trong năm nay là khá lớn do đồng USD tiếp tục tăng giá và Việt Nam nhiều khả năng sẽ thâm hụt thương mại trong năm 2015. Hiện dự trữ ngoại hối vẫn đang cao hơn các năm trước nhưng vẫn không đủ để có thể chống lại các áp lực tỷ giá.

Một trong những áp lực được HSC đề cập đến, đó là hệ số LDR (tỷ lệ dư nợ trên huy động vốn) ngoại tệ. Nếu hệ số này tiến gần 100% (nghĩa là 100% vốn huy động ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng được cho vay) thì sẽ gây ra áp lực đối với tỷ giá, trước hết là tỷ giá tự do và sau đó là tỷ giá liên ngân hàng. Thị trường cho vay ngoại tệ liên ngân hàng kỳ hạn ngắn sẽ có sự biến động.

“Hiện tại, chúng tôi chưa lo ngại về một áp lực tăng đối với tỷ giá. Nhìn vào những chỉ số khác nhau, chúng tôi không thấy có dấu hiệu rõ ràng nào về áp lực đối với tỷ giá vì lý do đề cập trên đây. Chúng tôi ước tính hệ số LDR ngoại tệ vẫn trong ngưỡng an toàn, khoảng 82,9%; chúng tôi thấy rằng lãi suất cho vay USD kỳ hạn ngắn (kỳ hạn 1 tháng) hiện là khoảng 0,6%. Trong khi đó, giá giao dịch tỷ giá tự do vẫn ở mức dưới trần. Nghĩa là hiện tại tình hình vẫn bình thường”, HSC bình luận.

Tuy nhiên, HSC cho rằng, khả năng tỷ giá tăng hơn 2% trong năm nay là khá cao. “Khả năng sẽ có một đợt điều chỉnh tỷ giá thứ 2 trước mùa hè là khá cao. Và có lẽ sẽ có thêm đợt điều chỉnh tỷ giá lần thứ 3 trước cuối năm nay. Theo đó, cả năm tỷ giá có thể điều chỉnh 3%. Giả định là áp lực tăng tỷ giá không quá cao. Nếu tình hình thế giới có biến động ngoài dự kiến hay đồng USD tăng mạnh hơn dự báo thì có lẽ chúng tôi sẽ phải điều chỉnh kịch bản này”, nói.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc tỷ giá USD/VND “tạo sóng” trong mấy phiên gần đây là hệ quả tất yếu của tâm lý kỳ vọng về những đợt điều chỉnh biên độ trong tương lai. Bởi Ngân hàng Nhà nước vừa mới điều chỉnh tỷ giá khoảng 2 tháng nên không có lý do gì để điều chỉnh nốt 1% trong thời điểm này.

An Hạ

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *