Thời sự 22/10/2017 06:48

TS.Nguyễn Trí Hiếu: “Nhiều ngân hàng hoạt động như tiệm cầm đồ”

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đi vay vốn thì các ngân hàng cứ đòi hỏi phải có tài sản thế chấp nên các SME rất khó tiếp cận vốn. Ông nói: “Rất nhiều ngân hàng ở Việt Nam đang hoạt động như tiệm cầm đồ, cho vay chủ yếu dựa trên tài sản thế chấp”.

Tài chính phải mạnh dạn

Ngày 21/10, Trung tâm phát triển doanh nhân Việt Nam (thuộc Trung ương Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) đã chính thức ra mắt Mạng lưới doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SME Việt Nam Network) nhằm kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, SME Việt Nam Network cũng triển khai chương trình đầu tiên của mạng lưới là tọa đàm “Vốn cho SME”, một chủ đề mà các doanh nghiệp nhỏ hết sức quan tâm.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng cứ như tiệm cầm đồ thì SME khó tiếp cận vốn
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng cứ như tiệm cầm đồ thì SME khó tiếp cận vốn

Theo ban tổ chức, cả nước hiện đang có hơn 600.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút hơn 51% lực lượng lao động trên cả nước và đóng góp 40% GDP mỗi năm. Tuy là một bộ phận quan trọng và đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nhưng hiện nay các SME ở Việt Nam tồn tại rất nhiều chướng ngại khó vượt qua để mở rộng quy mô kinh doanh như trình độ quản lý, kỹ thuật công nghệ và quan trọng nhất là vốn.

Hầu hết các doanh nghiệp tham dự tọa đàm cũng bày tỏ khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn chính thống từ ngân hàng là tài sản thế chấp. Bởi với quy mô và bề dày kinh nghiệm, các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ rất khó được các ngân hàng duyệt vay tín chấp. Còn tài sản thế chấp là vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, nhất là với các starup.

Các SME tham dự tọa đàm đều quan tâm đến vốn và cách vay được vốn
Các SME tham dự tọa đàm đều quan tâm đến vốn và cách vay được vốn

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, đánh giá việc các ngân hàng cứ đòi hỏi tài sản thế chấp khi duyệt vay vốn cho các SME là 1 rào cản rất lớn cho các SME phát triển, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Ông nói: “Rất nhiều ngân hàng ở Việt Nam đang hoạt động như tiệm cầm đồ, cho vay chủ yếu dựa trên tài sản thế chấp”.

Theo ông, các ngân hàng thương mại nên tăng cường cho vay tín chấp dựa trên phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chứ không thể cứ chằm chặp vào tài sản thế chấp để đảm bảo an toàn vốn vay của mình. Ngân hàng nhà nước nên có quỹ bảo lãnh tín dụng trung ương cho hoạt động này. Có như vậy, các SME Việt Nam mới có thể phát triển nhanh hơn, mạnh hơn nhờ nguồn vốn dồi dào. Tất nhiên là rủi ro sẽ cao hơn nhưng cơ hội cũng sẽ nhiều hơn.

SME cũng cần thay đổi

Ông David Nguyễn Vũ - Giám đốc Phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore, Chủ tịch Quỹ đầu tư Requlus investment and capital holding, cũng chỉ ra tồn tại của các SME Việt Nam khiến ngành tài chính ít dám cho vay tín chấp.

Ông nói: “Vấn đề niềm tin luôn được đặt lên hàng đầu trong quyết định cho vay vốn của ngân hàng và quỹ đầu tư. Hiện tại, cách vận hành của SME đa phần chưa bài bản nên chưa xây dựng được hệ thống tài chính kế toán có thể gây dựng được niềm tin. Vì không có niềm tin nên việc tiếp cận vốn trở nên khó khăn do phía nhà đầu tư và ngân hàng chưa ghi nhận được những chỉ số cần thiết của SME”.

“Lời khuyên của tôi cho các SME là nên thay đổi cách làm việc để chính thống hoá, đào tạo nhân viên bài bản, ghi nhận tất cả chỉ số doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, rõ ràng để ngân hàng và nhà đầu tư có thể đánh giá chính xác năng lực của doanh nghiệp”, ông David Nguyễn Vũ đề nghị.

Theo các chuyên gia, ngân hàng cần thay đổi nhưng SME cũng cần thay đổi
Theo các chuyên gia, ngân hàng cần thay đổi nhưng SME cũng cần thay đổi

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng tình. Ông nhận định các SME Việt muốn ngân hàng tin tưởng, cho doanh nghiệp vay tín chấp thì phải chú ý đến 3 vấn đề. Thứ nhất là phải có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Thứ 2 là báo cáo tài chính phải được kiểm toán độc lập, vì hiện các SME vẫn sử dụng hai báo cáo tài chính, một cho thuế và một để đi vay, số liệu chênh lệch rất nhiều nên ngân hàng không thể tin tưởng. Thứ 3, SME chỉ nên quan hệ với 1-2 ngân hàng để ngân hàng kiểm soát được dòng tiền cho vay có đi đúng chỗ và vận hành tốt hay không.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khởi - Giám đốc điều hành SME Việt Nam Network, mạng lưới SME được thành lập với mục tiêu liên kết các SME để hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, phát triển hình ảnh doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo sản phẩm dịch vụ… Đồng thời, SME Việt Nam Network còn là 1 sàn thương mại mở để các SME giao thương với nhau. Các giao dịch trên app SEM Việt Nam được đánh giá bằng chính các doanh nghiệp làm ăn với nhau và công khai rõ ràng. Đây cũng là 1 chỉ số uy tín doanh nghiệp được đánh giá công khai để đưa vào hồ sơ vay vốn tín chấp.

SME muốn vay được vốn tín chấp thì giao dịch phải minh bạch, tài chính rõ ràng
SME muốn vay được vốn tín chấp thì giao dịch phải minh bạch, tài chính rõ ràng

Ông David Nguyễn Vũ nhận định: “Nếu anh cung cấp sản phẩm kém chất lượng, khi đối tác phàn nàn anh ngó lơ, người ta đánh giá anh ra sao thì hồ sơ giao dịch trên mạng thể hiện rất rõ, không thể giấu diếm được. Khi doanh nghiệp khác tính hợp tác với anh mà thấy hồ sơ quá kém thì họ sẽ cân nhắc. Khi anh đi vay thì ngân hàng cũng sẽ đánh giá không cao hồ sơ của anh, ai dám cho anh vay!”.

Bà Hồ Diệu Vân, Giám đốc Khối Tài chính Doanh nghiệp của ngân hàng UOB Việt Nam (Singapore), cũng đánh giá các giao dịch thành công và phục vụ tốt được đánh giá công khai là yếu tố quan trọng để ngân hàng đánh giá uy tín của doanh nghiệp khi xét duyệt hồ sơ cho vay. Ngân hàng UOB Việt Nam cũng đã đồng ý dành ra 1.000 tỷ đồng cho các SME trong mạng lưới vay với mức lãi suất thấp hơn các ngân hàng khác và thấp hơn mức cho vay các doanh nghiệp khác 0,5%/năm.

Tùng Nguyên

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *