Thời sự 05/12/2014 12:42

TS.Nguyễn Đức Kiên: “Không có gì phải hoảng loạn về con số nợ 1,35 triệu tỷ”

FICA - “Con số nợ 1,35 triệu tỷ đồng, nếu so số nợ đó trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp thì vẫn chấp nhận được, không có gì phải hoảng loạn cả”.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bình luận.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc góp cổ phần, cho thấy tổng số nợ của các tập đoàn Nhà nước gần 1,35 triệu tỷ đồng. Con số này gấp khoảng 1,45 lần vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp, chiếm khoảng 50% GDP.

Trong đó, nợ ngân hàng của riêng những “ông lớn” gần 490.000 tỷ đồng (tăng 12,3%), chiếm 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế. Ngoài ra, các đơn vị cũng vay gần 326.000 tỷ đồng từ nước ngoài, với phần lớn là vốn ODA hoặc do Chính phủ bảo lãnh.

Là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông đánh giá thế nào về con số nợ trên?

Nếu so số nợ đó trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp thì vẫn chấp nhận được, không có gì phải hoảng loạn cả.

Bởi thực tế, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam nói chung đều không được hiệu quả lắm (kể cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân). Trừ doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp Việt Nam đều trong tình trạng chung, không có ai khá hơn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, việc chi đầu tư không nhiều, nhưng sao con số nợ của các doanh nghiệp Nhà nước năm 2014 lại tăng tới 9% so với năm 2013?

Nói thế vì chúng ta chưa lấy con số nợ của doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nếu lấy ra so thì nợ của khối doanh nghiệp đó còn cao hơn nhiều. Chúng ta cần phải xem xem nợ xấu được hình thành từ tổ chức tín dụng thì có bao nhiêu % là nợ của doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Con số chắc cao hơn nhiều. Cho nên, chúng ta không nên nhìn doanh nghiệp Nhà nước bằng con mắt xấu như thế.

Còn việc nợ tăng lên là bình thường bởi sức mua của thị trường giảm xuống làm nợ tăng lên, tỷ lệ hàng tồn kho tăng thì nợ tăng là bình thường. Hơn nữa, do tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước lớn hơn khối lượng của doanh nghiệp tư nhân, nên việc được các ngân hàng cho vay nhiều hơn là bình thường. Bởi các ngân hàng thường cho vay dựa trên tài sản đảm bảo.

Chúng ta đừng tách doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, hãy nhìn doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI thì bức tranh sẽ rõ hơn.

Được biết, các tập đoàn lớn như PVN, EVN…có khoản vay 326.000 tỷ đồng từ nước ngoài, nhưng phần lớn là vốn ODA hoặc do Chính phủ bảo lãnh. Điều này tác động thế nào đến nợ công hiện nay?

Đúng là nợ công. Và trong Luật Nợ công cũng đã ghi rõ cái này phải tính vào rồi. Như nợ của Vinashin là Chính phủ đã tính vào rồi. Khoản nợ 650 triệu USD bán trên thị trường New York là đã được tính vào rồi.

Con số nợ công mới công bố đây đã tính cả khoản nợ của doanh nghiệp mà do chính phủ bảo lãnh.

Tập đoàn Dầu khí (PVN) đang có số vay lớn nhất (chiếm gần 1/3 tổng số nợ) và cũng có số nợ khó đòi lớn nhất. Tại sao với một ngành khai thác tài nguyên sẵn có như vậy nhưng lại có con số nợ khổng lồ đến thế, thưa ông?

Vấn đề con số nợ đó phải đặt trên tổng tài sản của PVN là bao nhiêu và tổng số tiền mà PVN nộp từ trên vốn vay đó là bao nhiêu? Còn nếu chỉ nhìn vào con số nợ mà nói xấu thì ai chả nói được. Cả một bức tranh, ta chỉ nhìn một góc và nói về góc đó thì ai mà chả xấu!

Tôi nghĩ đó là bình thường, trong một nền kinh tế đặc thù như Việt Nam thì điều đó là bình thường. Vấn đề quan tâm nhất đó là anh nuôi nguồn thu ấy được bao nhiêu lâu, chứ không phải là nợ nhiều hay nợ ít.

Vấn đề nợ hay không nợ, tổng số nợ là bao nhiêu không quan trọng mà quan trọng là khả năng trả nợ và nó đóng góp cho nền kinh tế là bao nhiêu. Đấy mới là cái mà ta cần quan tâm.

Từ con số trên, có thể thấy một thực tế là các doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa hoạt động hiệu quả lắm?

Thực tế, trong tổng số gần 1.300 doanh nghiệp Nhà nước thì chiếm đa phần là doanh nghiệp hoạt động công ích như doanh nghiệp cấp thoát nước, đèn chiếu sáng, công viên cây xanh… Những doanh nghiệp này thì lấy đâu ra mà lãi, đấy là hoạt động công ích. Như ở tỉnh khác, chỉ có mấy công ty sổ số kiến thiết đem lại siêu lợi nhuận thôi. Bởi vậy, trong tổng số đó chỉ còn 432 doanh nghiệp là hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số trên mà nói các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hay không thì cũng không đúng mà tùy từng doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp từng là doanh nghiệp Nhà nước như Vinamilk đang hoạt động rất hiệu quả.

Tuy nhiên, trong những doanh nghiệp Nhà nước mà chúng ta nói cũng có những vấn đề cần bàn. Trước tiên là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp ví như xây lắp đường giao thông. Lĩnh vực này trong suốt một thời gian dài nhà nước nợ doanh nghiệp và doanh nghiệp phải hoạt động bằng vay vốn của ngân hàng, song nhà nước vẫn chưa trả.

Khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đó chính là nguyên nhân làm cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành giao thông bị giảm sút nghiêm trọng. Nếu tính từ thời điểm 1995 khi chúng ta bắt đầu có đấu thầu quốc tế, đến thời điểm năm 2014 này thì năng lực tài chính của các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông giảm sút nghiêm trọng vì chúng ta đã nợ doanh nghiệp quá lâu rồi…

  • Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *