Thời sự 27/08/2014 09:48

TS.Cấn Văn Lực: Lãi suất không còn quyết định cầu tín dụng

FICA – “Với xu hướng tăng đều qua các tháng, tháng sau cao hơn tháng trước, chứng tỏ nền kinh tế đâu đó cầu tín dụng đã nhúc nhích "bò" lên”.

TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường Đào tạo cán bộ BIDV đã cho biết như vậy khi nói về tăng trưởng tín dụng hiện nay.

Ông nhìn nhận như thế nào về con số 3,68% trong tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng vừa qua?

Con số 3,68% của 7 tháng đầu năm, theo tôi là thấp so với cùng kỳ năm ngoái là 4,7%. Tuy vậy, tín dụng đi vào những chỗ tốt hơn theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tập trung hơn vào 5 lĩnh vực ưu tiên, tăng trưởng đều từ 5-12%, hạn chế vốn đi vào những chỗ rủi ro, đồng vốn đi đúng chỗ, hiệu quả hơn.

Với xu hướng tăng đều qua các tháng, tháng sau cao hơn tháng trước, chứng tỏ nền kinh tế đâu đó cầu tín dụng đã nhúc nhích "bò" lên. Đồng thời, thời gian qua, NHNN và các ngân hàng thương mại tích cực, quyết liệt đưa ra các gói sản phẩm như: Gói cho vay thí điểm đối với chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, gói 4 nhà, một số gói bán lẻ khác của các NHTM; và đã tháo gỡ một phần về thủ tục, đối tượng vay thuộc gói 30.000 tỷ đồng.

Vậy theo đánh giá của ông, tín dụng năm nay có cán đích đề ra?

Với câu hỏi liệu năm nay tăng trưởng tín dụng có cán đích 12-14% như dự định hay không, tôi cho rằng có 3 điểm cần lưu ý. Thứ nhất, 12-14% là định hướng chứ không thể tăng trưởng đến con số này bằng mọi giá, tập trung số lượng mà quên đi chất lượng là không được, bởi nợ xấu đang được xử lý nhưng còn chậm và lại có dấu hiệu tăng lên, từ 3,76% cuối tháng 2/2014 lên đến 4% toàn ngành vào cuối tháng 5/2014.

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm chủ yếu tập trung vào ngoại tệ, nội tệ không đáng kể, nên muốn đẩy tín dụng những tháng cuối năm thì phải đẩy nội tệ ra nhiều hơn, đặc biệt là cho vay ngắn hạn, vì thời gian qua, các ngân hàng chủ yếu cho vay trung - dài hạn.

Thứ ba, tín dụng cần tiếp tục tập trung vào những lĩnh vực đang được ưu tiên.

Tuy nhiên, để tăng trưởng được cho vay nội tệ, còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Cầu tín dụng còn yếu ớt, thể hiện ở bốn điểm: Chỉ số tồn kho hàng công nghiệp - chế biến vẫn tăng ở mức khoảng 13% so với cùng kỳ; tăng doanh thu dịch vụ tiêu dùng và bán lẻ thấp hơn năm ngoái, chỉ 10,7% so với 12% cùng kỳ năm ngoái (chưa loại trừ yếu tố lạm phát); số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể vẫn tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái; chỉ số đơn mua hàng của DN (PMI) trên ngưỡng 50, chứng tỏ sản xuất - kinh doanh mở rộng, nhưng đang đà giảm nhẹ 2 tháng qua; và một số DN đang tái cơ cấu hoặc đang trong trạng thái tâm lý chờ đợi, cầm chừng, một phần do những biến động đã và đang diễn ra, dù đã được Chính phủ kiểm soát tốt.

Theo ông, để tháo gỡ những khó khăn này, ngành Ngân hàng cần phải làm gì?

Để những tháng cuối năm tăng trưởng tín dụng được tốt hơn, tôi ước tính con số cả năm khoảng 10%, chúng ta phải giải quyết nhiều vấn đề: Đồng bộ về chính sách liên quan để giúp doanh nghiệp giảm thiểu hàng tồn kho, tìm kiếm thị trường, tăng niềm tin và đầu tư mạnh mẽ hơn; xử lý nợ xấu (tháo gỡ xử lý tài sản đảm bảo, hình thành thị trường mua bán nợ, chấp nhận bán lại nợ xấu theo giá thị trường và mở rộng đối tượng mua đến nhà đầu tư nước ngoài); xử lý triệt để vướng mắc pháp lý của một số gói, như gói 30.000 tỷ đồng, đẩy nhanh gói cho vay thủy sản…

Cần phải tiếp tục định hướng các ngân hàng cho vay những lĩnh vực ưu tiên để tiếp tục nắn dòng tín dụng vào chỗ hiệu quả hơn; xử lý triệt để nợ đọng xây dựng cơ bản và thủ tục dự án (nhất là giải phóng mặt bằng) nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, qua đó góp phần giảm nợ xấu, nợ đọng. Và cuối cùng, các NHTM cần tích cực cải tiến, đơn giản hóa thủ tục trong cấp tín dụng; tuy nhiên, giảm thủ tục không đồng nghĩa với giảm chuẩn cho vay.

Có ý kiến cho rằng muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hơn nữa, cần giảm lãi suất. Ông đánh giá như thế nào về mức lãi suất cho vay hiện nay?

Lãi suất cho vay đang ở mức khá thấp so với trước đây, tương tự thời kỳ 2005–2006. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp không cho rằng lãi suất là yếu tố cản trở tăng trưởng tín dụng. Về phía ngân hàng, nếu giảm tiếp được lãi suất thì càng tốt. Tuy nhiên, lãi suất không phải là yếu tố quyết định vay, mà doanh nghiệp quan tâm nhiều đến thủ tục cho vay, đặc biệt liên quan đến tài sản đảm bảo, hồ sơ vay vốn.

Vấn đề này, bên cạnh việc các ngân hàng cải tiến, đơn giản hóa thủ tục cho vay, cần có sự phối hợp của các bộ ngành liên quan, địa phương trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến đất đai, tài sản đảm bảo, công chứng, thuế...

  • Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền (ghi).

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *