Thời sự 08/05/2018 12:57

TS. Nguyễn Xuân Thành: "Không nên ưu tiên nới lỏng chính sách tiền tệ"

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: "Nới lỏng chính sách tiền tệ không nên là ưu tiên chính trong giai đoạn hiện nay. Đó là gánh nặng đặt lên Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng".

Thay đổi nhận thức

Đánh giá về những điểm cộng trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Diễn đàn toàn ngành ngân hàng 2018 diễn ra sáng nay 8/5, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay:

Thời gian qua, công tác điều hành của NHNN đã có nhiều thành tựu, có bước đi phù hợp. 2017 là năm mà NHNN đã tập trung xây dựng thể chế, cụ thể đã ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, đồng thời đã sửa Luật các tổ chức tín dụng và đã thông qua vào tháng 10/2017. Tính đến thời điểm này các văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước trong tài chính ngân hàng đã làm được.

"Bên cạnh đó là chúng ta đã thay đổi được nhận thức. Trước đây khi báo cáo hàng năm của Chính phủ trình Quốc hội bao giờ cũng có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nhưng đến bây giờ nhận thức đó chỉ mục tiêu định hướng, đó không phải là chỉ chỉ tiêu pháp lệnh bắt buộc NHNN phải bơm tiền ra để đạt được chỉ tiêu tín dụng. Theo chúng tôi đây là nhận thức đột biến rất quan trọng", ông Kiên đánh giá.

Cũng theo ông Kiên, chúng ta xây dựng được Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Đến tháng 7/2017, sau 5 năm thực hiện, chúng ta đã có đề án tái cơ cấu giai đoạn 2. Như vậy, "chúng tôi thấy những bước đi pháp lý để ổn định thị trường tiền tệ và phát triển thị trường tiền tệ là chúng ta đã làm được".

Đề cập tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng để đảm bảo đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ông Phạm Thanh Hà, Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho hay: Đối với chỉ tiêu tín dụng thì ngay đầu năm 2018 dựa trên cân đối kinh tế vĩ mô cũng như là chỉ tiêu của NHNN bao gồm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số lạm phát đảm bảo 4%, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 6,7%, NHNN đề ra mức dự kiến định hướng cho tăng trưởng tín dụng năm 2018 là khoảng 10% và tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%.

"Giống như ông Kiên đã nói những năm gần đây điểm mới mà NHNN tập trung vào các mục tiêu cuối cùng đó là ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng là các chỉ tiêu trung gian và nó phù hợp với diễn biến thực tế và không phải là chỉ tiêu pháp lệnh", ông Hà cho hay.

Với định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 17%, có điều chỉnh với tình hình thực tế, NHNN đã thực hiện phân bổ các chỉ tiêu tín dụng đó cho các tổ chức tín dụng. Trong quá trình điều hành của mình, các đơn vị liên quan của NHNN vừa ra các chỉ thị tín dụng, vừa phối hợp để kiểm soát tốc độ tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng để đảm bảo cho tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời liên tục cảnh báo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực rủi ro.

Thực tế, trong 4 tháng đầu năm vừa qua thì tín dụng tăng trưởng ở mức độ hợp lý, trên 5% tương đối đồng đều với tốc độ tăng trưởng huy động vốn để đảm bảo cho thanh khoản của hệ thống luôn luôn được ổn định và giữ vững, mặt bằng lãi suất ổn định.

Chính sách điều hành phải thận trọng, ổn định

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Phan Minh Ngọc, một trong những yếu tố quan trọng góp phần thành công điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và quan trọng hơn là định hướng phát triển kinh tế của Chính phủ nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và chính sách ổn định như vậy, Ngân hàng Nhà nước không bị buộc phải thi hành chính sách nới lỏng như trước đây để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tối đa. Do đó với chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong ổn định kinh tế vĩ mô như kiểm soát lạm phát, tỉ giá. Lãi suất cho vay tuy vẫn ở mức độ tương đối nhưng là mức độ chấp nhận được với doanh nghiệp. Đó là những yếu tố góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thành công trong điều hành chính sách của NHNN.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng:

"Nới lỏng chính sách tiền tệ không nên là ưu tiên chính sách trong giai đoạn hiện nay. Đó là gánh nặng đặt lên NHNN và ngành ngân hàng. Cách đây một năm số liệu tăng trưởng của quý I/2017 chỉ có trên 5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng rất nhiều. Trong bối cảnh chính sách tài khóa có không gian không nhiều".

Nhìn một cách khách quan, kết quả tăng trưởng tốt 2017 với sự hỗ trợ tốt của chính sách tiền tệ mà vẫn đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, cân đối vĩ mô. Nếu chúng ta nhìn vào thời điểm hiện nay, tăng trưởng quý I/2018 rất tốt, sức cầu trong nền kinh tế tốt, xuất khẩu tốt, sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo trong nước tăng trưởng tốt, tăng 14% tổng mức bán trong 4 tháng đầu năm; hàng hóa dịch vụ tăng 9,5%, trong khi lạm phát có 2,82 %.

Trong khi đó, chính sách điều hành của NHNN là vừa phải thận trọng, ổn định và lại phải hỗ trợ tăng trưởng. Chúng ta phải ưu tiên về mặt nào? vì tăng trưởng hiện nay tốt, cần chú ý tới vấn đề từ tăng trưởng tốt sang quá nóng, đặc biệt là thị trường tài sản. Do vậy, về định hướng chính sách tiền tệ không phải là nới lỏng, không phải là hỗ trợ tăng trưởng.

An Hạ

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *