Thời sự 16/01/2018 07:05

TS Nguyễn Đình Cung: Thu nhập bình quân 2.400 USD, buồn chứ không tự hào

"Ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chưa làm tốt vai trò của “kiến trúc sư” trưởng của cải cách và phát triển của đất nước. Sau 30 năm đổi mới, thu nhập bình quân trên người của Việt Nam mới chỉ đạt gần 2.400 USD/người, vẫn là một mức thấp, buồn nhiều hơn là tự hào”.

Đây là chia sẻ thẳng thắn, đầy tâm huyết của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng tại Hội nghị Tổng kết ngành KH&ĐT ngày 15/1.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng.

Theo ông Cung: "Thời gian qua ở những thời điểm phát triển vượt bậc của đất nước đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về chính sách và thể chế; mà ở đó đều có ghi dấu ấn đậm nét về sự đóng góp của ngành KH&ĐT”.

Tuy nhiên, hiện nước ta vẫn là một nước đang phát triển, đang ở thời kỳ đầu của quá trình chuyển tiếp từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 của quá trình phát triển. Chính vì vậy, yêu cầu thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới đã và đang là mệnh lệnh.

"Để đạt được mục tiêu này, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, kinh tế Việt Nam phải có tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm ít nhất 8-10% và duy trì liên tục trong ít nhất trong 15-20 năm, từ đây chúng ta mới đạt được cân bằng trong phát triển và ổn định xã hội", ông Cung nói.

Viện trưởng CIEM đánh giá: Những gì ngành kế hoạch đã được ghi nhận, đánh giá cao trong nỗ lực thời gian vừa qua. Tuy nhiên, chắc chắn kết quả hiện nay còn thấp xa so với yêu cầu cải cách thể chế và phát triển kinh tế của đất nước.

"Ngành KH&ĐT chưa làm tốt vai trò của “kiến trúc sư” trưởng của cải cách và phát triển của đất nước, còn thiếu chức năng nhiệm vụ... Sau 30 năm đổi mới, hiện thu nhập bình quân trên người của Việt Nam mới chỉ đạt gần 2.400 USD/người, vẫn là một mức thấp chứa đựng nỗi buồn nhiều hơn là niềm vui và tự hào”, Viện trưởng Cung thẳng thắn nói.

Ở khía cạnh của chuyên gia kinh tế hàng đầu của ngành KH&ĐT, thành viên tư vấn của Thủ tướng, TS Cung cho rằng: Bộ KH&ĐT không nên xem tên mình là chiếc áo chật chỉ giải quyết vấn đề kế hoạch và đầu tư mà cần phải tư duy rộng hơn là cải cách thể chế và phát triển, cần vượt tầm, để làm tròn hơn vai trò của mình.

Ông Cung dẫn ví dụ: Vừa qua, có một số đề xuất hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT nhưng đề xuất này chưa phù hợp với trình độ phát triển hiện nay của Việt Nam cũng như yêu cầu cải cách và phát triển đất nước trong 10-15 năm tiếp theo.

"Không nên vì giải quyết một số bất hợp lý trước mắt mà bỏ qua sự cần thiết và vai trò cốt lõi cần có của một cơ quan tham mưu chiến lược về cải cách và phát triển đất nước", TS Cung nói.

Ông Cung dẫn giải: Kinh nghiệm của các nền kinh tế Đông Á cho thấy cơ quan tham mưu chiến lược về cải cách và phát triển với vai trò dẫn dắt và điều phối của Chính phủ kiến tạo, hành động.

Trong đó, ông Cung nêu ra bài học kinh nghiệm thành công của các "Con hổ châu Á" cho thấy tầm quan trọng không thể thiếu của cơ quan chủ trì tham mưu về các vấn đề cải cách, phát triển trung và dài hạn.

Như tại Nhật Bản có Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế MITI của Nhật bản vào những năm 50-70 của thế kỷ trước; Ủy ban Kế hoạch kinh tế của Hàn Quốc năm 1961-1994, hay Hội đồng Phát triển kinh tế Singapore (EDB) ở Singapore, và gần đây nhất là Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC)... Những cơ quan đó đã và đang đóng góp rất lớn vào thành công vượt trội của các nền kinh tế nói trên.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *