Thời sự 14/01/2015 08:24

Tính đến tháng 11/2014: Nợ xấu ngân hàng ở mức 167.861 tỷ đồng

FICA - Tính đến cuối tháng 11/2014, nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) là 167.861 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 3,8%).

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 11/2014, nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) là 167.861 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 3,8%); tỷ lệ nợ xấu theo kết quả phân loại dựa trên thông tin tín dụng của CIC là 5,3%.

NHNN dự kiến, cuối tháng 1/2015 sẽ chính thức có số liệu cuối cùng về tỷ lệ nợ xấu của năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 12/2014 sẽ giảm bởi vì tháng 12/2014 các TCTD bán nợ xấu rất mạnh cho VAMC và thực hiện xử lý dự phòng rủi ro theo quy định.

Từ ngày 1/1 đến ngày 31/12/2014, VAMC đã duyệt mua khoảng 98 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó tháng 12/2014 là khoảng 36 nghìn tỷ đồng. Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước cuối tháng 12/2014 về kết quả điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng năm 2014, định hướng, giải pháp điều hành trong năm 2015, đại diện VAMC cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động đến ngày 23/12, VAMC đã mua được 123.000 tỷ đồng nợ xấu. Ngoài ra, trong năm 2014 đã có 4.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý thông qua các hình thức xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, thực hiện bán đấu giá.

Lý giải số liệu nợ xấu theo kết quả thanh tra, giám sát của NHNN thường cao hơn số liệu nợ xấu của các TCTD, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết:

Thứ nhất, NHNN thực hiện chuyển nhóm nợ theo đúng quy định hiện hành về phân loại nợ: Toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một TCTD phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ; Toàn bộ dư nợ của một khách hàng vay nhiều TCTD khác nhau phải được phân loại vào cùng nhóm nợ có rủi ro cao hơn; Phân loại nợ tương ứng với mức độ rủi ro dựa trên các bằng chứng, thông tin về khách hàng vay.

Thứ hai, các tiêu chí phân loại nợ theo quy định hiện hành bao gồm tiêu chí định lượng (chẳng hạn thời gian quá hạn, số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ,…) và tiêu chí định tính (ví dụ, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng). Việc phân loại bao gồm các tiêu chí định tính và định lượng trong phân loại nợ là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, việc sử dụng các tiêu chí định tính trong phân loại nợ dễ dẫn đến sự khác nhau giữa các TCTD trong xác định và ghi nhận nợ xấu. Ví dụ, khoản nợ của khách hàng được TCTD này xếp vào nợ xấu nhưng lại không được TCTD khác xếp vào nợ xấu.

Theo quy định, tất cả các khoản vay khác của cùng khách hàng đó tại tất cả các TCTD khác phải được xếp vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn. Các TCTD có thể thiếu thông tin tín dụng về khách hàng hoặc có chủ ý không chuyển các khoản nợ đủ tiêu chuẩn “nợ xấu” sang nợ xấu dẫn đến các khoản nợ của khách hàng không được phân loại hợp lý và nợ xấu được ghi nhận dưới mức thực tế.

Thứ ba, một số TCTD cố ý không thực hiện đúng quy định về phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu trong báo cáo tài chính thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro.

Cũng theo bà Hồng, số liệu nợ xấu theo kết quả giám sát của NHNN đáng tin cậy hơn và được NHNN sử dụng trong công tác quản lý, giám sát hoạt động ngân hàng.

NHNN xác định, năm 2015 là năm bản lề của việc thực hiện Đề án xử lý nợ xấu và năm về đích của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Vì vậy, ngành Ngân hàng sẽ quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, điều hành, tái cơ cấu và xr lý nợ xấu theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra.

Trong đó, quyết tâm đưa nợ xấu về mức dưới 3% và kiên quyết xử lý các TCTD yếu kém, đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất, lành mạnh hóa tài chính, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và đổi mới hệ thống quản trị, điều hành.

Do đó NHNN dự kiến đến 2015 số lượng các TCTD yếu kém giảm, chất lượng hoạt động được cải thiện, hệ thống ngân hàng trở lên an toàn, lành mạnh hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, hiệu quả đến năm 2020 như đã đề ra trong Đề án cơ cấu lại các TCTD.

Hiện có một hướng xử lý nợ xấu đang được một số ngân hàng sử dụng, đó là chuyển nợ thành cổ phần. Cách làm này đã được Vietinbank, MaritimeBank đang thực hiện. Đề cập tới quan điểm của NHNN về hướng xử lý nợ xấu này, ba Hồng cho hay:  Để xử lý nợ xấu phải thực hiện bằng nhiều biện pháp. Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã thực hiện nhiều biên pháp như tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu hạn chế nợ xấu mới phát sinh khi cấp các khoản tín dụng mới, tăng cường xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ,...

Trong đó, một số TCTD thực hiện chuyển nợ thành vốn cổ phần. Đây là giải pháp đã được cho phép tại Quyết định 843 về xử lý nợ xấu của Thủ tướng Chính phủ. Bằng cách này, các TCTD tham gia vào đề án tái cơ cấu doanh nghiệp sau đó thoái vốn.

Tuy nhiên, khi thực hiện các biện pháp này, các TCTD cần cân nhắc thận trọng đảm bảo các quy định về giới hạn góp vốn mua cổ phần theo quy định của pháp luật, tránh đầu tư dàn trải vào lĩnh vực phi ngân hàng.

Ngoài ra, việc thực hiện theo phương pháp còn phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp, phụ thuộc vào trình độ của cán bộ ngân hàng có nắm rõ tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay không. Một điểm nữa, khi chuyển nợ thành vốn cổ phần, nếu doanh nghiệp thành công thì các TCTD có thể thoái vốn được nhưng nếu không thành công, việc thoái vốn sẽ khó khăn vì khi đó TCTD đã chuyển sang chủ sở hữu doanh nghiệp thì sẽ được thanh toán sau các chủ nợ khác.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *