Thời sự 30/01/2015 10:01

Thông tư 36 tạo áp lực thoái vốn và M&A ngân hàng năm 2015

FICA - Theo ước tính của BVSC dựa trên dữ liệu hiện tại, các ngân hàng có thể mất 4 năm để trích lập đầy đủ cho các khoản nợ xấu hiện tại. Ngoài ra, trong ngắn hạn việc thực hiện Thông tư 36 có thể dẫn đến áp lực thoái vốn ở một số cổ phiếu ngân hàng hoặc việc sáp nhập giữa các TCTD trong năm 2015.

Theo nhận định của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), quá trình tái cơ cấu bước vào giai đoạn quyết liệt hơn với nợ xấu và sức khoẻ tài chính của từng ngân hàng được bộc lộ rõ sau khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN được áp dụng đầy đủ. Ngoài ra, vấn đề sở hữu chéo cũng được chú trọng với việc ra đời Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Đây là điểm tích cực xét về triển vọng dài hạn của ngành.

Xử lý nợ xấu

Về phía các ngân hàng, tính đến 30/6//2014, nguồn dự phòng đã trích lập/tổng giá trị nợ xấu bình quân của toàn hệ thống ngân hàng ở mức 48%. BVSC cho rằng với việc tăng cường trích lập dự phòng trong quý 3-4/2014 cũng như thận trọng hơn trong phát triển tín dụng, tỷ lệ này có thể được cải thiện lên mức 55-60% tại thời điểm cuối năm 2014.

Trong khi đó, tỷ lệ thu hồi từ nợ đã xử lý của các ngân hàng niêm yết bình quân trong 3 năm gần đây ở mức xấp xỉ 25%. Tỷ lệ này có thể thấp hơn ở những ngân hàng chưa niêm yết do chất lượng tín dụng và quản trị rủi ro thấp hơn.

Như vậy, để đủ nguồn xử lý nợ xấu, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục tăng cường trích lập trong những năm tới. Theo ước tính của BVSC dựa trên dữ liệu hiện tại, các ngân hàng có thể mất 4 năm để trích lập đầy đủ cho các khoản nợ xấu hiện tại. Thời gian này có thể được rút ngắn nếu nền kinh tế vĩ mô hồi phục nhanh và mạnh hơn, dẫn đến tỷ lệ thu hồi đối với các khoản nợ xấu ở mức cao hơn.

Đối với VAMC, hoạt động mua nợ trong năm 2015 được dự báo sẽ sôi động hơn sau khi toàn hệ thống áp dụng triệt để Thông tư 02 dẫn đến nguồn cung nợ xấu tăng. Đối với khâu thu hồi nợ mà VAMC đã mua của các tổ chức tín dụng, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo (bán đấu giá tài sản của VAMC, cho phép NĐT nước ngoài sở hữu TSĐB là bất động sản), phát triển thị trường mua bán nợ cũng như gia tăng quyền hạn cho VAMC để tạo điều kiện tốt hơn cho VAMC trong việc thu hồi nợ, đòi nợ, bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo...

Ngoài ra, VAMC cũng đã trình phương án mua bán nợ theo giá thị trường lên NHNN và dự kiến sẽ thực hiện trong 2015. Tuy nhiên, BVSC cho rằng phương án này chưa thể thành công trong 2015 do một số trở ngại: (1) Với quy mô tài chính ở mức khiêm tốn, việc VAMC mua nợ theo giá thị trường sẽ chỉ khả thi với những khoản nợ quy mô nhỏ; (2) Việc định giá khoản nợ thỏa mãn được mong muốn các bên sẽ gặp phải nhiều khó khăn; và (3) Mua bán nợ theo giá thị trường chỉ thành công nếu tồn tại một thị trường mua bán nợ thực sự với sự tham gia tích cực của các tổ chức cá nhân; và (4) Quy định pháp lý về mua bán, sở hữu tài sản nợ xấu chưa hoàn thiện, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Giảm sở hữu chéo

Sở hữu chéo dẫn đến một số rủi ro đối với hệ thống như việc phóng đại vốn cho vay, vốn chủ sở hữu, khiến cho tỷ lệ CAR toàn hệ thống thực sự sẽ phải thấp hơn tỷ lệ CAR hiện tại của mỗi ngân hàng. Do đó, một trong những nội dung quan trọng của Thông tư 36/2014/TT-NHNN là hướng đến giảm hiện trạng sở hữu chéo hiện nay trong hệ thống ngân hàng, trong đó có quy định mỗi tổ chức tín dụng chỉ nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá hai (02) tổ chức tín dụng khác và tỷ lệ nắm giữ tối đa là 5%. Ngoài ra, các công ty con, công ty liên kết của cùng một NHTM không được góp vốn mua cổ phần của nhau cũng như mua cổ phần của chính các ngân hàng đó.

Điều này về dài hạn có thể giúp hệ thống phát triển ổn đình và an toàn hơn. Xét về ngắn hạn, việc thực hiện Thông tư 36 có thể dẫn đến áp lực thoái vốn ở một số cổ phiếu ngân hàng hoặc việc sáp nhập giữa các TCTD trong năm 2015.

Sáp nhập ngân hàng

Theo BVSC, xu hướng sáp nhập giữa các ngân hàng thương mại dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2015. Các thương vụ M&A trong ngành có thể xuất phát từ việc áp dụng các quy định chặt chẽ hơn trong quản trị rủi ro và phân loại chất lượng tài sản, các ngân hàng yếu kém có thể gặp vấn đề về thanh khoản, dòng tiền và cần có sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng có năng lực tài chính tốt.

Theo vào đó, việc M&A cũng nhằm đáp ứng những quy định liên quan đến góp vốn, mua cổ phần theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, một số TCTD có thể có nhu cầu sáp nhập với nhau thay vì thoái vốn, ví dụ như VCB – SaigonBank, MSB – MDB, Techcombank – Tài chính Hóa Chất (Techcombank đã nâng sở hữu tại Tài chính Hóa chất từ 10% lên 99,87% ngày 11/1/2015)…

Ngoài ra, trên thị trường hiện vẫn còn những thương vụ còn dang dở trong năm 2014 như STB – PNB, VietinBank - PGBank… Một yếu tố khác có thể thúc đẩy thêm M&A trong ngân hàng là việc các DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *