Thời sự 21/11/2017 07:26

Thông qua Luật Các TCTD: Nhiều phương án can thiệp sớm với ngân hàng yếu kém

Chiều nay (20/11), Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) với tỷ lệ tán thành là 88,80%, tương ứng 436/444 đại biểu tham gia biểu quyết.


Chiều nay (20/11), Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) với tỷ lệ tán thành là 88,80%, tương ứng 436/444 đại biểu tham gia biểu quyết. (Ảnh minh hoạ).

Chiều nay (20/11), Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) với tỷ lệ tán thành là 88,80%, tương ứng 436/444 đại biểu tham gia biểu quyết. (Ảnh minh hoạ).

Đây được xem là đạo luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Yêu cầu cao hơn về lãnh đạo ngân hàng

Điểm thay đổi quan trọng nhất của Luật Các TCTD lần này là yêu cầu cao hơn về kinh nghiệm quản lý, điều hành của các nhân sự nhằm bảo đảm các cá nhân tham gia quản trị, điều hành TCTD, nhất là vị trí tổng giám đốc bắt buộc phải có kinh nghiệm quản lý, điều hành làm việc tại TCTD.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm ngăn ngừa việc lạm dụng sở hữu chéo, đầu tư chéo không lành mạnh. Cụ thể, giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông lớn tại một TCTD và người có liên quan tại TCTD khác dưới 5% vốn điều lệ. Đồng thời, bổ sung các quy định về giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng “lách” quy định về giới hạn cấp tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các TCTD không được phép cấp tín dụng để mua cổ phần của TCTD.

Ngoài ra, TCTD phải báo cáo thông tin bằng văn bản về lợi ích liên quan của những người quản lý, người điều hành TCTD định kỳ cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Luật bổ sung việc áp dụng biện pháp can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có dấu hiệu yếu kém (nhưng chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt). Đồng thời, quy định rõ thời hạn, biện pháp áp dụng để TCTD tự khắc phục các yếu kém.

Xem xét áp dụng can thiệp sớm

Đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt, luật đã quy định cụ thể về quy trình xử lý, các phương án có thể áp dụng, các biện pháp xử lý có thể áp dụng để bảo đảm cơ quan có thẩm quyền, có đủ cơ sở pháp lý để lựa chọn cách thức xử lý phù hợp nhất đối với từng TCTD.

Trong đó, bổ sung thêm một số trường hợp NHNN có thể xem xét đặt một TCTD vào kiểm soát đặc biệt, quy định rõ về thẩm quyền xử lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN trong quá trình xử lý TCTD yếu kém. Cùng với đó, bổ sung quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của TCTD yếu kém trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt.

Ngoài ra, cũng quy định rõ và chi tiết hơn về thẩm quyền xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt, trình tự xử lý, các phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Luật quy định rõ: NHNN xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD lâm vào một trong các trường hợp sau: Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời hạn 06 tháng liên tục; Không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 03 tháng liên tục; Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của NHNN.

NHNN cũng xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi thuộc một trong các trường hợp trên.

Theo Luật vừa được Quốc hội thông qua, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc; Phương án phá sản.

Về phương án phá sản, luật quy định: NHNN trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khi TCTD được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *