Thời sự 23/11/2017 14:00

Thống nhất đưa đầu mối quản lý nợ công về Bộ Tài chính

Đa số ý kiến tán thành quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính như Dự thảo luật.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Tại phiên họp toàn thể sáng nay (23/11) của kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) với 85,74% đại biểu tán thành.

Luật quy định "Nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô".

Về giám sát việc quản lý nợ công, Luật quy định Quốc hội, HĐND giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và quy định khác của pháp luật có liên quan. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý nợ công, bao gồm: Vay, cho vay, bảo lãnh không đúng thẩm quyền hoặc chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, vượt hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ. Vụ lợi, chiếm đoạt, tham nhũng trong quản lý, sử dụng nợ công.

Bên cạnh đó, những hành vi bị cấm còn bao gồm: Làm trái quy định của Nhà nước về quản lý nợ công; thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí vốn vay. Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật. Cản trở hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý nợ công…

Về xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý nợ công, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nợ công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đáng lưu ý, liên quan đến mô hình cơ quan quản lý nợ công, trước đó, tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, đa số ý kiến tán thành quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính như Dự thảo luật.

Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay nợ. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong Luật, đề nghị bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước hoặc có ý kiến đề nghị giữ như Luật hiện hành.

Ngoài ra, UBTVQH cũng cho biết, về phạm vi nợ công, có ý kiến băn khoăn về việc không đưa nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào phạm vi nợ công. Theo UBTVQH, đây là các khoản vay thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp. Trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật, bảo đảm bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *