Thời sự 20/01/2015 08:06

Thống đốc Bình: “Tái cơ cấu, hợp nhất ngân hàng sẽ quyết liệt hơn”

FICA - Mục tiêu của giai đoạn 2 tái cơ cấu là ngân hàng lớn phải nhận ngân hàng nhỏ hoặc có những tổ chức tín dụng sẽ do Ngân hàng Nhà nước trực tiếp xử lý.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết: Tái cơ cấu ngành ngân hàng đã đi qua giai đoạn 1 nhưng chỉ là dừng ở xử lý những ngân hàng yếu kém nhất trong hệ thống.

“Giai đoạn 2 sẽ có những tổ chức tín dụng mạnh hơn và thông qua đó để xử lý ngân hàng yếu, như ngân hàng lớn phải nhận ngân hàng nhỏ hoặc có những tổ chức tín dụng sẽ do Ngân hàng Nhà nước trực tiếp xử lý. Việc tái cơ cấu hợp nhất ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai quyết liệt trong 6 tháng đầu năm”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, trước đây nhiều người vẫn nghĩ đã xử lý được các ngân hàng yếu kém nhưng thực ra chỉ là một phần. Giai đoạn 1 mới chỉ xử lý những tổ chức tín dụng yếu kém nhất trong hệ thống vì thời gian đó kinh tế vĩ mô còn bất ổn và nhiều cân đối trong hệ thống còn mong manh.

Theo ông Bình, trong thời gian đó, nếu “làm mạnh tay có thể khiến tình hình càng bất ổn”. Còn hiện nay, khi môi trường ổn định hơn, tiềm lực của Ngân hàng Nhà nước được nâng lên nhiều cho phép Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp mạnh mẽ quyết liệt hơn.

Đề cập tới tâm lý e ngại của các ngân hàng thương mại lớn, không muốn nhận các ngân hàng yếu kém về một nhà, Thống đốc cam kết: “Tôi xin khẳng định tham gia đợt này, các ngân hàng thương mại lớn không mất mát gì. Các ngân hàng chỉ phải bỏ công sức, uy tín, kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo, còn cơ chế chính sách, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu để làm sao các ngân hàng thương mại không bị thua thiệt”.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố phê duyệt Đề án tái cơ cấu 4 ngân hàng thương mại nhà nước và phương án tái cơ cấu của 20 ngân hàng thương mại cổ phần. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra mục tiêu trong năm naysẽ kiên quyết xử lý những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc. Ngành ngân hàng cũng sẽ xử lý cơ bản tình trạng sở hữu chéo, hình thành một số ngân hàng thương mại quy mô lớn và có khả năng cạnh tranh.

Theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước dự kiến năm 2015 sẽ thực hiện 6 thương vụ hợp nhất, sáp nhập ngân hàng. Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đã khẳng định: Sẽ rốt ráo xử lý căn bản tình trạng nợ xấu để đưa nợ xấu về mức độ an toàn và nâng cao chất lượng tín dụng (phấn đấu về mức 3% như Nghị quyết Quốc hội phê duyệt). Tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính; phấn đấu hình thành một số ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương khu vực.

Số liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho thấy, hiện tại thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, đáp ứng cơ bản yêu cầu tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến cuối tháng 11/2014, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt trên 430.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2011, nợ xấu giảm mạnh và chỉ còn chiếm 3,8% tổng dư nợ.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *