Thời sự 07/05/2018 19:32

Thêm “đại gia” quyết định bỏ ngân hàng chọn làm sếp doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Nga vừa chính thức thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị SeABank nhằm đáp ứng quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung.

Bà Nguyễn Thị Nga chọn làm chủ tịch doanh nghiệp thay vì chủ tịch SeABank.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa tiến hành bầu Hội đồng quản trị ( HĐQT) nhiệm kỳ mới 2018 - 2023.

Theo đó, HĐQT SeABank đã thông qua nghị quyết bầu ông Lê Văn Tần là Chủ tịch HĐQT ngân hàng này. Còn bà Nguyễn Thị Nga là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị.

Như vậy ông Lê Văn Tần, người từng là Phó tổng giám đốc phụ trách chính thức thay thế bà Nga đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT SeABank. 

Việc rời khỏi vị trí chủ tịch ngân hàng của bà Nga là tuân theo Luật tổ chức tín dụng mới, có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.

Ngoài SeABank, bà Nga còn là Chủ tịch Tập đoàn BRG - Doanh nghiệp chuyên đầu tư bất động sản, sân golf, khách sạn… Đây cũng chính là doanh nghiệp đề xuất hợp tác với Nhật Bản xây khu đô thị thông minh 4 tỷ USD tại phía Bắc Hà Nội.

Bà Nga là một trong số ít đại gia chọn công ty, bỏ ngân hàng theo quy định mới. Trước đó, nhằm tuân thủ quy định mới của Luật, nhiều lãnh đạo đã từ bỏ làm chủ tịch doanh nghiệp để giữ chân ở ngân hàng.

Gần đây nhất, ông Hồ Hùng Anh đã có đơn từ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT cũng như thành viên HĐQT của Tập đoàn Masan từ ngày 13/4.

Hiện ông Hồ Hùng Anh là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Ngoài ông Hồ Hùng Anh, nhiều “đại gia” cũng đã phải quyết định chọn làm lãnh đạo ngân hàng thay vì “sếp” doanh nghiệp. Chẳng hạn như trường hợp bà Thái Hương, ông Dương Công Minh hay Đỗ Minh Phú.

Bà Thái Hương đã quyết định chọn làm Tổng giám đốc BacABank và từ bỏ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH - TH True Milk. Bà Thái Hương cho biết, sau rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk, bà tiếp tục giữ vai trò là người sáng lập, nhà tư vấn và sẽ thực hiện giám sát bước đường phát triển tiếp theo của TH True Milk.

Ông Dương Công Minh cũng từ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty là Công ty CP Him Lam, Công ty CP dụng cụ thể thao Bảo Long, Công ty CP Phát triển Xín Mần, Công ty CP Chứng khoán Liên Việt. Hiện tại, ông Minh chỉ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Sacombank.

Chủ tịch HĐQT Tiên Phong bank kiêm Chủ tịch DOJI Đỗ Minh Phú cũng quyết định chỉ giữ “một ghế cao nhất” từ năm 2018, khi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực. Theo đó, ông rời ghế Chủ tịch HĐQT tại Công ty Vàng bạc đá quý DOJI và giữ chức vụ Chủ tịch tại TPBank.

Trên thực tế hiện ở Việt Nam rất nhiều “đại gia” vừa là lãnh đạo tại doanh nghiệp vừa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT tại một tổ chức tín dụng. Điều đó đồng nghĩa với việc rất nhiều người sắp tới sẽ có thêm người phải tuyên bố “lựa chọn” tiếp tục làm chủ doanh nghiệp hay làm “sếp” ngân hàng.

Theo quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 15/1/2018, một số cá nhân đảm nhiệm những chức vụ chủ chốt của ngân hàng sẽ không được tham gia quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp khác.

Nguyễn Mạnh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *