Thời sự 20/10/2014 17:10

Tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng… ngày càng phức tạp

FICA - Theo ông Tranh, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứu 8, Quốc hội khóa XIII, Tổng Thanh tra Chính Phủ Phùng Phong Tranh, cho biết tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.

Theo ông Tranh, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp.

Ông Tranh cho biết, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. 

Báo cáo tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh: Tình hình tham nhũng trong khu vực công còn rất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp nhất là trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, quản lý sử dụng đất đai, quản lý vốn và tài sản của Nhà nước.

Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án đã đưa ra xử lý; thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Tình trạng vòi vĩnh nhận hối lộ vẫn diễn ra.

Một số nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục về phòng chống tham nhũng chưa phù hợp nên hiệu quả đem lại thấp; chưa tạo ra sự chuyển biến can bản trong nhận thức của người dân, cán bộ công chức viên chức. Vẫn còn bộ phận không nhỏ suy thoái về đạo đức, lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng.

“Tình trạng vòi vĩnh nhận hối lộ vẫn diễn ra trong đó có cả cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật. Vì vây một số người dân vẫn mang nặng tâm lý đưa  hối lộ để nhanh được việc. Điều đáng lưu ý, thực trạng cơ quan tổ chức và người dân  tố cáo tham nhũng vẫn rất ít”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Nhận định công tác phát hiện xử lý tham nhũng vẫn là khâu yếu, đã kéo dài nhiều năm, ông cho rằng dù đã có nhiều giải pháp nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Số vụ tham nhũng phát hiện còn ít, chủ yếu ở cấp xã phường, nhiều vụ án lớn được điều tra truy tố xét xử năm nay đều đã được phát hiện ra từ những năm trước.

Ngoài ra, việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp có dấu hiệu tiêu cực. Việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải tội danh tham nhũng vẫn còn xảy ra. Một số biện pháp triển khai phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, thiếu hiệu quả; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng đã đưa ra xử lý; thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp.

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng cho rằng: “Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước- thiệt hại lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp”.

Được biết, theo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2013 của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), so với các nước được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á, người Việt Nam ít có khả năng tố cáo tham nhũng và ít từ chối đưa hối lộ nhất, cụ thể: có 38% số người được khảo sát sẵn sàng tố cáo tham nhũng, chỉ có 27% người dân được hỏi đã từng từ chối đưa hối lộ.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *