Thời sự 23/10/2017 09:00

Tài nguyên bản địa, sao thế giới nâng niu, còn ta bỏ mặc?

Nhận xét về việc sử dụng những tài nguyên, sản phẩm bản địa, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đặt câu hỏi: "Tài nguyên bản địa, sao thế giới nâng niu, còn ta bỏ mặc?".

Mấy hôm nay, mọi người chuyển cho nhau bức ảnh người dân Campuchia đi tour du lich “Cánh đồng hoa điên điển” của họ. Một người bình: Hay là người dân Campuchia thính ngửi mùi tiền? Không, không phải vậy. Chúng ta đều biết nước Pháp đang làm giàu với: rượu vang, phô mai, sườn trừu nướng, bánh crêpe, bánh macaron…, người Nhật mở quán tưng bừng ở VN với : rượu Sake, mì Udon, Sushi, rau củ chiên Tempura, mì Ramen…, người Nga lại có nhiều món khó quên: súp củ cải đỏ, trứng cá hồi, rươu Vodka, bánh mì muối, salad Nga…

Tài nguyên của địa phương thật gần và dễ khai thác: Mộc mạc, dễ tìm, sẵn ngay canh mình, ngay bờ ao nhà mình …Các nước đang khai thác tốt, thậm chí, dãi sản phẩm mới từ tài nguyên bản địa, họ đang nối dài vô tận, như Thái Lan đã chế được 100 món mới từ dừa.

Ta đã thử làm 100 món bánh dân gian Nam Bộ là sản phẩm sau gạo. Nhưng chưa thấy đi xa gì hơn ngoài việc 1 đơn vị khai thác có lời khách nói hơi buồn vì kinh doanh thiếu chăm chút và chuyên nghiệp, uổng...

Vì sao khắp các nước khai thác, phát triển được tài nguyên mà ta thì còn bỏ mặc hay khai thác tùy nghi, tản mạn? Tuần rồi tôi gặp lại cô bạn Nhật Ino Mayu và nghe Mayu kể chuyện phát triển tài nguyên bản địa của Nhật. Chuyện giản dị lắm, nhưng người Nhật vốn chi tiết, kiên trì và làm gì cũng chất đến cùng.Quê cô là tỉnh Hokkaido, một năm có 6 tháng tuyết phủ, và ở Việt Nam có một món được biết đến nhiều: bia Sapporo.

Mayu nói Hokkaido có một tour du lịch nổi tiếng là “Sansai ichi”. “Sansai” là rau rừng, còn “ichi” nghĩa là chợ. Cư dân xã Shimukappu của tỉnh Hokkaido sống bằng nghề nông, họ tận dụng lợi thế có các loại nông sản đặc biệt để thu hút khách du lịch đến làng khám phá thiên nhiên và hệ sinh thái bản địa theo mùa. Chợ rau rừng tổ chức tháng 5 hàng năm (rau mọc nhiều nhất mùa này), khách du lịch đến sẽ trải qua hai ngày: ngày thứ nhất đi hái rau rừng (vừa tìm hiểu hệ sinh thái của xã, văn hóa ẩm thực liên quan) xong cùng người địa phương nấu một số món truyền thống và ăn uống, giao lưu với nhau đến khuya.

Ngày hôm sau, chính các vị khách sẽ thay mặt dân địa phương giới thiệu các loại rau rừng cho khách mới tới. Chợ địa phương cũng họp đón khách với các thức ăn chế biến từ các loại thực phẩm khác tại chỗ.Trẻ em được “cưng” hơn, được dạy làm bánh “Mochi tsuki” truyền thống. Còn ở một tỉnh khác, tỉnh Kochi, có công ty Towa Okamisan (được thành lập và quản lý bỡi phụ nữ) thuộc thị trấn Shimanto của tỉnh, thường xuyên tổ chức “Những phiên chợ của các bà mẹ vùng Towa” bán các loại rau quả bản địa như trái Yuzu, nấm đông cô, gạo thơm của ruộng bậc thang. Dần dần, công ty lập ra các cửa hàng có tên “Nhà bếp Towa” , cung cấp rau sạch cho trường học, dạy trẻ em nấu các món truyền thống, tổ chức các tour khám phá thiên nhiên và trãi nghiệm văn hóa ẩm thực địa phương. Không khác mấy với VN, chỉ khác cách làm: của người Nhật.

Sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới, lập thêm nhiều tour và sự kiện khám phá thiên nhiên và trãi nghiệm văn hóa bản địa là công thức làm giàu bền vững, vô tận của các địa phương. Vậy mà sao Việt Nam chưa làm được? Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban TP Cần Thơ, sau mấy tháng trời gần đây đi phượt để xây dựng tour sinh thái cho 4 tỉnh ABCD Mekong mới thấy phải thay đổi thôi, vì tour đồng bằng rất đơn điệu, chỉ có “Lên xuồng, xuống ghe, thăm chùa, chợ nổi, vô vườn, nghe đờn ca tài tử. Hết”.

Một status trên Facebook không thể nói được hết công thức phát triển tài nguyên bản địa. Nhưng sau 2 tháng miệt mài nghe DN, chuyên gia… thì nay xin tạm viết ra đây công thức để làm giàu từ tài nguyên bản địa. Cần tính chuyện lâu dài, bền vững, và làm giàu, không phải đắp đổi qua ngày. Cần phối hợp 2 nhóm giải pháp: GIẢI PHÁP CỨNG là phải đảm bảo an toàn, tuân thủ đúng tiêu chuẩn VN và Quốc tế, có sử dụng, bổ sung kỹ thuật mới, công nghệ mớ., Và GIẢI PHÁP MỀM là có nghiên cứu, am hiểu thị trường, xem xét toàn chuỗi giá trị, định vị thương hiệu sản phẩm rõ, có quan tâm bao bì, mẫu mã, và có dồn sức phát triển sản phẩm mới và phát triển thị trường. Là nỗ lực lớn, chung, không chỉ của một công ty đơn lẻ nào và không dàn đều mà có thứ tự ưu tiên, có phương pháp đầu tư và quản trị.

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *