Quốc tế 07/04/2014 15:41

Đông Á: Điểm sáng của kinh tế thế giới

FICA - Tiếp tục là khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, World Bank dự báo, kinh tế Đông Á sẽ đạt mức tăng 7,1% trong năm 2014 cũng như các năm 2015-2016.

Nhận định về tình hình kinh tế Đông Á, Ngân hàng Thế giới (WB) tại buổi họp báo cập nhật diễn ra sáng nay (7/4) cho rằng, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế dự định sẽ duy trì ở mức 7,1% năm 2014 cũng như các năm 2015 và 2016. Những luồng gió xuôi thuận lợi cho thương mại toàn cầu được cải thiện sẽ bù trừ cho những luồng gió ngược từ tình trạng thắt chặt của các thị trường tài chính toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại trong hầu hết các nền kinh tế lớn. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống mức 7,6% trong năm 2014 và 7,5% năm 2015 từ tỷ lệ hiện nay là 7,7% trong các năm 2012 và 2013.

Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trong ASEAN đang tăng trưởng ở mức gần với kỳ vọng và phải đối mặt với các điều kiện thắt chặt tài chính toàn cầu và mức nợ hộ gia đình tăng lên. Trong năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng theo dự kiến sẽ giảm đi ở Indonesia (5,3%) và Philippines (6,6%), không đổi ở Thái Lan (3%) và tăng nhẹ ở Malaysia (4,9%).

 

Trong các nền kinh tế nhỏ hơn, một số nền kinh tế, đặc biệt là Mông Cổ, sẽ phải đối mặt với tình trạng phát triển nóng, trong khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các quốc đảo Thái Bình Dương vẫn tiếp tục phụ thuộc vào tài trợ và kiều hối từ các nước phát triển.

WB cũng nhận xét, cơ cấu cầu nội địa đang trải qua sự điều chỉnh khi các nước đang cố gắng giảm bớt mất cân bằng đối nội và đáp ứng với tình hình bên ngoài có nhiều rủi ro.

Trong các quý vừa qua, cầu nội địa, đặc biệt là đầu tư, đã yếu đi ở Indonesia và Malaysia, phản ánh tình hình tín dụng thắt chặt, chi phí khoản vay tăng lên, tiếp tục thắt chặt tài chính ,giảm lợi nhuận từ các mặt hàng tiêu dùng, và chi phí nhập khẩu cao hơn do đồng tiền yếu đi.

Tại Thái Lan, sự chậm chễ trong các hoạt động kinh tế và sự tình hình bất ổn chính trị là những lý do chính. Khác với các nước ASEAN-4 không có nhiều điều kiện cho chính sách nới lỏng, Trung Quốc đã triển khai một chương trình hỗ trợ kinh tế vào giữa năm 2013 tập trung vào việc tăng chi tiêu công. Chương trình này đã giúp ổn định tăng trưởng, nhưng cũng đưa đến tình trạng đầu tư tăng trở lại trở thành nhân tố chính thúc đẩy phía cầu - do vậy làm giảm khả năng tái cân bằng của nền kinh tế.

Ngoài ra, theo đánh giá của WB, mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tầm quan trọng kinh tế đối với ASEAN, nhiều nước ASEAN vẫn hạn chế vốn cổ phần nước ngoài, đặc biệt là trong ngành dịch vụ.

Những kinh nghiệm trong khu vực cho thấy rằng nơi nào các nước nới lỏng các chính sách hạn chế sở hữu nước ngoài, FDI đã tăng lên, tạo ra những lợi ích kinh tế đáng kể cho nước nhận được vốn đầu tư. Tại Campuchia và Việt Nam, các cải cách đầu tư nước ngoài đã dẫn đến tăng trưởng FDI đáng kể, cũng như việc tự do hóa ngành tài chính tại Philippines và Thái Lan trong những năm 1990.

Những kế hoạch cho Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 mang đến những cơ hội và thách thức mới cho các nước ASEAN. Những nước nới lỏng sở hữu nước ngoài trong ngành dịch vụ chắc chắn sẽ thu hút thêm vốn FDI, điều này sẽ cải thiện tính cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ và hàng hóa, theo WB.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *