Thời sự 16/09/2014 21:09

Phó tổng giám đốc VietinBank: Lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1-2%

FICA - Lãi suất cho vay, theo dự báo của đại diện VietinBank, có thể giảm thêm 1-2% nếu không có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Dự báo về xu hướng lãi suất ngân hàng thời gian tới, ông Phạm Huy Thông, Phó Tổng giám đốc Vietinbank cho biết: Với kỳ vọng lạm phát cả năm khoảng 5% đến dưới 6%, để đảm bảo duy trì lãi suất thực dương cho người gửi tiền, lãi suất huy động gần như không còn dư địa để giảm thêm.

“Đối với lãi suất cho vay, theo thông tin từ Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, từ nay đến cuối năm 2014, về cơ bản NHNN vẫn điều hành chính sách lãi suất ổn định như hiện nay. Nếu không có biến động đột biến của CPI, các TCTD có thể giảm lãi suất cho vay xuống thêm 1-2%/năm”, ông Thông cho hay.

Trong bối cảnh lãi suất giảm mạnh, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 8 tháng đầu năm mới chỉ đạt tren 5%, theo đánh giá của ông Phạm Huy Thông là “còn thấp”. Ông Thông cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó vẫn là vấn đề sức khỏe của doanh nghiệp còn hạn chế, ngoài ra là rào cản về nợ xấu.

Cụ thể, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt lĩnh vực thép, xi măng giảm mạnh do cầu trong nước giảm. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn bị ảnh hưởng của kinh tế khó khăn, hoạt động co cụm, tài chính không minh bạch, điều kiện vay vốn hạn chế. Khi tiếp cận vay vốn thì tình hình tài chính và tài sản đảm bảo là thách thức lớn với các doanh nghiệp này.

Còn đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), đa phần chủ động về vốn do công ty mẹ nước ngoài chuyển về, các ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngoại tệ, nhưng các công ty này vẫn tìm mọi cách chuyển giá, lỗ giả lãi thật. Cùng với đó là tín dụng tiêu dùng cũng trầm lắng do các cá nhân có xu hướng cắt giảm chi tiêu.

Một vấn đề lớn, theo ông Thông là “cục máu đông” nợ xấu vẫn chưa được khơi thông, thậm chí nợ xấu toàn hệ thống có dấu hiệu tăng, vượt mức 4%. Dù NHNN đã tích cực xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại thông qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhưng chất lượng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng chưa có dấu hiệu cải thiện do tình hình tài chính của các doanh nghiệp không có nhiều khởi sắc trong bối cảnh kinh tế chỉ phục hồi ở mức vừa phải.

Hoạt động của VAMC mua và xử lý nợ xấu còn khiêm tốn, trong đó hành lang pháp lý về xử lý nợ còn nhiều vướng mắc liên quan đến các ngành khác nhau ngoài ngân hàng. Ngoài ra, các gói có tính chất “kích cầu” như gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ giải ngân còn hạn chế do nguồn cung trên thị trường thiếu, phối hợp triển khai còn hạn chế với các vướng mắc về thủ tục.

Trước thực tế trên, ông Thông cho rằng, để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2014 từ 12-14%, các tháng cuối năm, tín dụng phải đảm bảo mức tăng trưởng tối thiểu 9,7-11,7%.

Theo đại diện VietinBank, mức tăng trưởng này có cơ sở để thực hiện bởi theo quy luật thị trường, tín dụng thường tăng trưởng rất mạnh và nhanh từ cuối quý III. Các ngân hàng thương mại cần tiếp tục hỗ trợ khách hàng bằng mức lãi suất hợp lý, giúp khách hàng tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tập trung triển khai các gói kích cầu theo lĩnh vực ưu tiên: Cho vay nông nghiệp nông thôn; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay xuất khẩu…

So chiếu vào VietinBank, đại diện ngân hàng cho biết, hết tháng 8  tăng trưởng tín dụng VietinBank xấp xỉ 6%. Dòng vốn chủ yếu chảy vào trái phiếu, tín phiếu trong khi vốn kinh doanh khá hạn chế.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *