Thời sự 12/03/2015 08:17

Phân hóa ngân hàng: Từ lượng có đến chất?

Mục tiêu chỉ còn ít ngân hàng (NH), ít hơn một nửa so với hiện tại ở 15-17 NH tuy còn lâu mới hiện thực hóa, nhưng với các quyết định tái cơ cấu mạnh mẽ gần đây, hệ thống NH VN đã bắt đầu có sự phân hóa.

Sự phân hóa đó liệu đã dẫn được đến việc hình thành những NH khác biệt về chiến lược và lĩnh vực cung cấp dịch vụ?

Nhóm “Big four”

Nếu xét nhóm các NH quy mô lớn cả về vốn, tổng tài sản tới hiệu quả hoạt động, câu chuyện “chiếu trên” của 4 NHTM quốc doanh BIDV, Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG) và Agribank đang có sự thay đổi. Trong đó, Agribank từ chỗ NH có tổng tài sản lớn nhất, nay đã phải nhường chỗ cho Vietinbank.  Bản thân Agribank, với định vị “ngân hàng nông nghiệp nông thôn” và chưa được cổ phần hóa, nên vẫn được thị trường “liệt” vào dạng “NH chính sách” hơn là “thi đấu”, cạnh tranh trực tiếp và  sòng phẳng trên thị trường với các NH còn lại.

So với BIDV quy mô vốn điều lệ lớn, tổng tài sản, Vietinbank và Vietcombank lại đang có sự vượt trội xét về mặt cấu trúc vốn sở hữu với độ mở lớn hơn, có đối tác chiến lược đầu tư nước ngoài hiện hữu với tỷ lệ sở hữu lớn, có hiệu quả hoạt động cũng thể hiện vượt trội, liên tục bắt đầu từ năm 2013-2014 cũng như ở các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho 2015. Cụ thể, Vietinbank, Vietcombank đã không chỉ lần lượt dẫn đầu về tổng tài sản mà cũng bứt phá vượt trội về lợi nhuận cũng như thu nhập lãi thuần. 

Dù vậy, so với điểm xuất phát cách đây hơn 10 năm từ chỗ NH có nợ xấu lớn phải được Chính phủ hỗ trợ thanh khoản để bảo đảm CAR (hệ số an toàn vốn), sự hồi phục của BIDV ngày nay đã được đánh giá là quá tốt. Do đó trong nhóm các NH lớn, vẫn không thể thiếu BIDV. Đặc biệt, theo bảng đánh giá chất lượng tài sản NH do Chứng khoán Bản Việt thực hiện vào cuối năm 2014, nếu xét chất lượng tín dụng ở các NH thường phụ thuộc vào mức độ giải ngân tín dụng cho các NH quốc doanh, thì cả ba NH lớn kể trên đều có “điểm” giải ngân cho nhóm khách hàng này rất cao.

Nhóm Top đầu NHTMCP: Đổi ngôi

Xét ở góc độ các NTHM CP, nhiều NH cũng đang có tiềm năng trở thành những NH dẫn đầu quy mô và hiệu quả tốt. Trước đây, những NH đứng đầu trong top lớn của các NHTMCP có tên ACB, Sacombank, thì nay bên cạnh đó còn có những cái tên cũ còn xuất hiện tên mới mới MBB – NH Quân đội hay SHB – NH SaiGon Ha noi.

Cũng trong bảng đánh giá chất lượng tài sản ngân hàng do Chứng khoán Bản Việt thực hiện, các nhà phân tích VCSC đánh giá ACB đáng xứng đáng là lựa chọn số 2 đứng sau VCB  trên mức độ ổn định của bảng cân đối tài sản. “VCB hiện đã vượt trội so với các NH khác, và ACB được dự báo sẽ là NH đầu tiên bứt phá khỏi nhóm các NH còn lại”, báo cáo nhấn mạnh.

Một trường hợp rất đáng tiếc của nhóm này là Eximbank, ở thời điểm cách đây 2 năm vẫn là NH top đầu của nhóm NHTMCP, nay lại đang tụt hạng do một số vấn đề, trong đó việc trích lập dự phòng rủi ro quá lớn. Chưa biết Eximbank có kế hoạch tái cấu trúc để vực lại phong độ của mình ra sao nhưng nếu NH này nhận sáp nhập NamABank như một kế hoạch dự phóng mà lãnh đạo NHNN vừa tiết lộ sẽ diễn ra thời gian gần đây, Eximbank lại sẽ có sự tăng vọt về tổng tài sản và quy mô vốn điều lệ. Vấn đề điều này có giúp Eximbank lấy lại phong độ một thời của mình hay không, vẫn chưa thể chỉ dựa vào sức mạnh quy mô vốn mà khẳng định.

Nhóm NH có tiềm năng bứt phá

Theo chuyên gia NH Lê Trọng Nhi, một nhóm NHTM CP chưa thể xếp vào nhóm 1 hoặc nếu xét về lợi nhuận, doanh thu thuần hoặc tổng tài sản, nhưng về tương lai, lại là những NH có chiến lược tốt và có sự phân hóa sâu về chất, về chiến lược tương đối rõ ràng, có triển vọng sẽ sánh ngang hoặc “soán ngôi” những NHTM CP đầu ngành (không bao gồm các NH có vốn quốc doanh), nổi bật lên phải kể đến VPBank, VIB. 

Với VPBank, sau một giai đoạn ráo riết chuẩn bị để đạt mục tiêu NH bán lẻ hàng đầu như tuyển dụng hàng nghìn nhân sự trong giai đoạn 2013-2014, thành lập các trung tâm SMEs để tiếp cận và tư vấn hiệu quả cho các DNNVV, mua lại Cty tài chính Than Khoáng sản để thuận lợi phát triển tài chính vi mô, VPBank đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Còn với VIB, theo ông Rahn Wood, Giám đốc Khối bán lẻ - Mạng lưới Phân phối VIB, ở mũi nhọn chiến lược khai thác bán lẻ, VIB chưa có kế hoạch mua lại hoặc thành lập Cty Tài chính để phát triển tài chính tiêu dùng, vi mô. “Nhưng điều đó không cản trở VIB đi sâu vào mảng bán lẻđầy tiềm năng của thị trường VN. Dự kiến, những mũi nhọn để VIB cắm rễ trong lĩnh vực này của thời gian tới đây, sẽ là nhóm DN cá nhân, hộ tiêu dùng trong các ngành hàng thực phẩm tiêu dùng...

Chia sẻ với DĐDN, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia Tài chính Đầu tư cho rằng trong giai đoạn tái cơ cấu. Việc bỏ chữ “nhà” trong thương hiệu của NH này đã loại trừ việc bị nhận diện là một NH bó hẹp trong một ngành chỉ chuyên lĩnh vục bất động sản làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển. "Đối với các NH nhỏ hoặc NHTM CP không thể cạnh tranh đi vào nhóm các DN Nhà nước, DN lớn, thì việc giảm dần hoạt động phụ thuộc tài sản/ lĩnh vực địa ốc, việc đi sâu vào lĩnh vực phát triển SMEs ở từng ngành hàng, dịch vụ là rất quan trọng. HDBank với quy mô lớn, tổng tài sản lớn và định hướng NH vươn ra thị trường quốc tế, đang có cơ hội bán chéo sản phẩm bán lẻ, tiêu dùng khi kết hợp với HD Finance lẫn một DN có liên quan là VietJet ra tới thị trường quốc tế. Vấn đề chỉ là HDBank có tận dụng được lợi thế này hay không mà thôi”, ông Hiển nói.

Mục tiêu còn rất xa

Sau bốn năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống NH kể từ năm 2011, từ khoảng 43 ngân hàng, hệ thống nhà băng đã giảm xuống còn 34 NH. Tuy nhiên, xét ở góc độ cung cấp tín dụng, tài chính nói chung, bao gồm các NH nước ngoài, Cty tài chính thì theo TS Cấn Văn Lực, cố vấn Chủ tịch HĐQT NH BIDV, với một nền kinh tế 150 tỷ USD, có khoảng 90 tổ chức như vậy vẫn quá nhiều. Càng quá nhiều khi có một nghịch lí chưa khắc phục được là số người dân VN có nhu cầu tài chính tiêu dùng, đặc biệt là dân số ở phân khúc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa được sử dụng và cung cấp dịch vụ, tài chính - ngân hàng. Tỷ lệ tiếp cận được của phân khúc này, theo thống kê của TS Cấn Văn Lực là chưa tới 20%. Điều này đặt ra câu hỏi rằng: Phải chăng hệ thống ngân hàng sau giai đoạn tái cấu trúc gần về tới đích của kế hoạch đặt ra, vẫn chưa có một sự phân hóa để nâng cấp chất lượng một cách sâu sắc và toàn diện, ngoại trừ sự thay đổi đã được nhận diện ở một số các NH kể trên. Và cũng cần lưu ý một điều, ngay cả sự thay đổi/phân hóa kể trên cũng chưa thể tính là bền vững, khi kết quả tái cấu trúc vẫn cần có thời gian và các NH vẫn đang phải “vừa chạy vừa xếp hàng”.

 

Không thể phủ nhận rằng, tiến trình tái cấu trúc hệ thống NH thời gian đã làm thay đổi cục diện các NH đáng kể. Trong đó, 9 NH thuộc nhóm yếu kém bắt buộc tái cấu trúc đầu tiên với cách thức xóa sổ đã làm làm giảm bớt số NHTM CP trước đây xuống một con số ít hơn. Cụ thể, những NH đã bị “xóa sổ” theo cách thức sáp nhập gồm DaiABank, Firstcombank, TinNghiaBank, WesternBank. Một số NH đang trong giai đoạn tiến hành tái cấu trúc và có thể “mất” thương hiệu khi sáp nhập vào những NH khác tới đây, dự đoán sẽ là MDB (sáp nhập Maritime Bank), SaiGonBank (dự kiến sáp nhập Vietcombank), PhuongNamBank sáp nhập Sacombank (đã được phê duyệt chủ trương) NamABank (có thể sáp nhập Eximbank). Những NH như GPBank, OceanBank, nếu “may mắn” như VNCB và NHNN mua lại với giá 0 đồng, có thể sẽ trở thành NH TNHH MTV trực thuộc 100% chủ sở hữu NHNN. Nếu không có những cái tên NH “yếu kém” mới xuất hiện một cách bất ngờ, thì số lượng các NH, bao gồm  cả các NH quốc doanh 100%, có thể sẽ chỉ còn chưa tới 20. Vẫn còn rất lâu để hệ thống NH VN chỉ còn 15-17 NH như mục tiêu mong đợi.

 

Cần thời gian định hình

Theo TS Đinh Thế Hiển - Chuyên gia Tài chính – Đầu tư, việc phân hóa trong ngành ngân hàng là tất yếu và đang có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt chính sách. Song chìa khóa” cho sự phân hóa đi sâu vào chất, nâng chất ngân hàng đang phụ thuộc không chỉ ở lựa chọn chiến lược, mà nằm ở vấn đề chất lượng nhân sự và đội ngũ điều hành.

- Thưa TS, ông nhìn nhận như thế nào về bức tranh ngân hàng hiện nay. Đã có sự phân hóa ngân hàng về chất, thưa ông?

Trước hết, cần phải nói rằng phân hóa ngân hàng về chất, sau sự giảm lượng (số lượng ngân hàng) là xu hướng tất yếu của ngành ngân hàng. Với cục diện đã dần được phác họa của hệ thống ngân hàng hiện nay, có thể nhận thấy việc phân hóa đang xác lập dần những ngân hàng “Big four” – ngân hàng lớn. Theo sau là những ngân hàng nhỏ hơn. Nhưng sự phân hóa về chất rõ ràng vẫn chưa định hình. Có lẽ ngành ngân hàng cần có thời gian vì chúng ta vẫn mới đang trong giai đoạn tái cấu trúc.

- Nếu phân hóa về chất, theo ông cục diện cụ thể sẽ thế nào?

Những ngân hàng lớn rõ ràng và trước nhất vẫn tập trung sức mạnh vào các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh, trong đó nổi bật là Vietcombank và Vietinbank. Các ngân hàng này như đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “định hướng”, có thể sẽ là những ngân hàng quy mô ngang tầm khu vực. Tầm vóc phủ sóng của các ngân hàng sẽ thể hiện “chất” của các ngân hàng này. Ngoài ra, những ngân hàng nhỏ, trong xu hướng cạnh tranh với các ngân hàng lớn này, không thể không phân hóa đi vào các phân khúc ngách, các ngành, các lĩnh vực sâu hơn. Vì chỉ có như vậy nguồn lực của các ngân hàng nhỏ mới có thể trở thành nguồn lực lớn khi không còn “đa ngành”, “phủ sóng chiều ngang”.

- Có điều kiện nào cho sự phân hóa này không, thưa ông?

Quy hoạch xây dựng đội ngũ nhân sự, đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên sâu cho hoạt động của từng ngân hàng theo chiến lược và lựa chọn phân hóa là rất quan trọng

Ngân hàng Nhà nước đã và đang tạo điều kiện cho thị trường tài chính phát triển theo xu hướng phân hóa. Điều kiện về mặt chính sách là không cần. Điều kiện về bản thân các ngân hàng, là chiến lược cũng như một kế hoạch quy hoạch về hoạt động. Trong đó, quy hoạch xây dựng đội ngũ nhân sự, đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên sâu cho hoạt động của từng ngân hàng theo chiến lược và lựa chọn phân hóa của mình là quan trọng.

- Vậy theo ông các ngân hàng cần bao lâu để đi vào hoạt động phân hóa chất, chiều sâu?

Tôi nghĩ cần ít nhất 3-5 năm, tất nhiên đó là thời gian nếu các ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng nhỏ kiên trì đi theo chiến lược, định hướng có sự phân hóa. Cùng với đó, các ngân hàng cũng cần có những CEO, ban điều hành chuyên nghiệp để điều hành, theo đuổi định hướng đã lựa chọn. Chỉ khi như vậy, sự phân hóa mới đi vào chất và rõ ràng.

- Xin cảm ơn ông!

Năm 2015, NHNN dự kiến thực hiện 6-8 thương vụ hợp nhất, sáp nhập NH, tập trung vào một số mục tiêu cụ thể như tạo điều kiện đẩy nhanh hoạt động sáp nhập, mua lại các TCTD trên cơ sở tự nguyện và đúng luật.

 

Trong đó, vai trò của các NHTM nhà nước chi phối vốn sẽ rất lớn khi tham gia vào quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại những đơn vị yếu kém. Bên cạnh đó tiến thêm một bước cơ bản xử lý tình trạng sở hữu chéo, từ đó hình thành một số định chế có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao.

 

Những thông điệp từ phía NHNN đã khá rõ ràng và quá trình tái cấu trúc NH đầu năm 2015 cũng diễn ra suôn sẻ. Điều này cùng với những bài học rút ra từ sự thành công và thất bại trong giai đoạn 1, cho phép thị trường kỳ vọng tái cấu trúc NH trong giai đoạn 2 sẽ thuận lợi và thành công hơn. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, đẩy nhanh phục hồi đà tăng trưởng.

 
 

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *