Thời sự 27/05/2018 16:40

Nợ nước ngoài của quốc gia hơn 2,45 triệu tỷ đồng, tiệm cận ngưỡng trần

Chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia có xu hướng tăng so với năm 2016 và tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài của quốc gia được Quốc hội phê duyệt.

Nợ nước ngoài của quốc gia sắp chạm trần.
Nợ nước ngoài của quốc gia sắp chạm trần.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi lên Quốc hội về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017 và kế hoạch .

Theo báo cáo, ước thực hiện tổng khối lượng huy động vốn vay trong năm 2017 là 322.799 tỷ đồng, bằng 94,4% kế hoạch (342.060 tỷ đồng), trong đó huy động vốn trong nước là 244.220 tỷ đồng (bằng 100% kế hoạch) và giải ngân vốn vay nước ngoài là 78.578,5 tỷ đồng (bằng 80% kế hoạch).

Về thực hiện nghĩa vụ trả nợ, năm 2017, tổng trả nợ Chính phủ là 253.161,65 tỷ đồng, bằng 97% so với kế hoạch. Bao gồm, khoản trả nợ trong nước (gồm trái phiếu Chính phủ, lãi trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành cho SCIC và tín phiếu….) là 212.370 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc 123.535 tỷ đồng và trả lãi 88.835 tỷ đồng;

Trả nợ nước ngoài (gồm cả cho vay lại) là 40.791,34 tỷ đồng, trong đó trả gốc 28.948,75 tỷ đồng và trả lãi 11.842,59 tỷ đồng.

Báo cáo Chính phủ cho biết, các chỉ tiêu về nợ công năm 2017 nằm trong giới hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó: nợ công khoảng 61,4% GDP, nợ Chính phủ khoảng 51,8% GDP, nợ Chính phủ bảo lãnh 9,0% GDP, nợ chính quyền địa phương 0,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 49%GDP nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép.

Tại thời điểm 31/12/2017, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia là 2.451.978 tỷ đồng, bằng 49% GDP nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép (nhỏ hơn 50% GDP). Tuy nhiên, chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia có xu hướng tăng so với năm 2016 và tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài của quốc gia được Quốc hội phê duyệt.

"Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả tăng nhanh, theo đó tốc độ tăng dư nợ của các khoản vay trung và dài hạn là 22,56%, của các khoản vay ngắn hạn là 73% so với năm 2016", Chính phủ cho biết.

Đáng lưu ý, theo báo cáo Chính phủ, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ở mức 36%, tăng mạnh so với năm 2016 (tăng 6,3%), vượt giới hạn cho phép (dưới 25%) chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong năm 2017 tăng mạnh.

"Việc gia tăng mức vay nước ngoài ngắn hạn của tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ngắn hạn, điều hòa thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống", Chính phủ cho biết.

Do chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia so với GDP tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài quốc gia được Quốc hội phê duyệt (50%GDP), nên trong trường hợp, thực hiện theo hạn mức được phê duyệt tại Quyết định 544/QĐ-TTg (phương án kiểm soát mức giải ngân, nghĩa là hạn mức vay thương mại nước thì dự kiến chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia/GDP năm 2018 ước tính là 50,9% GDP, vượt ngưỡng nợ 50% do Quốc hội phê duyệt.

Do đó, để đảm bảo an toàn nợ nước ngoài quốc gia, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả trong năm 2018 với hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả tối đa 5.000 triệu USD; Dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn cuối năm 2018 của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không vượt qúa số dư nợ vào thời điểm 31/12/2017.

"Như vậy, với dự kiến về kế hoạch vay và trả nợ và các hạn mức nợ như trên, Bộ Tài chính dự báo đến cuối năm 2018, nợ công khoảng 61,4% GDP, nợ Chính phủ khoảng 51,9% GDP, nợ Chính phủ bảo lãnh là 8,8% GDP, nợ Chính quyền địa phương là 0,7% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 49,9%GDP", báo cáo nêu.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *