Thời sự 03/11/2015 12:57

Nhân dân tệ tăng giá sốc: "Vừa tốt vừa xấu cho Việt Nam”

Đánh giá tác động của đồng nhân dân tệ tới Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu đồng tiền này mạnh lên sẽ khiến hàng nhập từ Trung Quốc đắt đỏ hơn, điều này có thể "vừa tốt vừa xấu cho Việt Nam”.


Giới phân tích vẫn cho rằng, việc nhân dân tệ giảm giá trở lại chỉ là vấn đề thời gian.

Giới phân tích vẫn cho rằng, việc nhân dân tệ giảm giá trở lại chỉ là vấn đề thời gian.

Đồng nhân dân tệ có xu hướng tăng giá mạnh trong thời gian gần đây. Trong phiên hôm qua, Ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ tăng tỷ giá tham chiếu ngân dân tệ lên 6,3154 nhân dân tệ/USD từ mức 6,3495 nhân dân tệ/USD, hay tăng 0,54%. Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Cuối tuần trước, nhân dân tệ cũng tăng 0,62%, mạnh nhất kể từ tháng 7/2005 lên 6.3175 nhân dân tệ/USD sau khi có thông tin, Trung Quốc có thể xóa bỏ kiểm soát vốn vào năm 2020.

Sau khi phá giá mạnh đồng nhân dân tệ vào tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã có những động thái nhằm hỗ trợ đồng nội tệ, đồng thời, thúc đẩy việc sử dụng nhân dân tệ trên toàn cầu và đưa đồng tiền này vào rổ tiền tệ dự trữ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cho rằng, việc nhân dân tệ giảm giá trở lại chỉ là vấn đề thời gian. Sau biến động mạnh vào ngày hôm qua, Ju Wang - chiến lược gia cao cấp về tiền tệ tại HSBC trả lời trên Bloomberg: “Chúng tôi bảo lưu quan điểm rằng đồng nhân dân tệ vẫn đang chịu áp lực giảm giá”.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng: “Việc đồng nhân dân tệ tăng giá trở lại cũng là biến động bình thường theo cung cầu thị trường. Vào tháng 8, sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ hơn 4%, đồng tiền này đã ổn định trở lại và hiện giao dịch ở mức 6,3 nhân dân tệ/USD, so với 6,2 nhân dân tệ/USD hồi đầu tháng 8”.

TS Hiếu phân tích, từ nhiều năm, Trung Quốc muốn đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ mạnh của thế giới, và muốn làm như vậy phải thả nổi tỷ giá để nhân dân tệ tự do hoán đổi trên thị trường thế giới.

"Từ trước Trung Quốc có chế độ kiểm soát hối đoái để giữ giá trị của nhân dân tệ với USD mạnh, Tuy nhiên, giờ họ biết nếu tiếp tục kiểm soát thì khó đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ mạnh của IMF và bắt đầu tiến trình thả nổi. Do đó, từ nay về sau chúng ta có thể nhìn thấy 1 đồng nhân dân tệ ngày càng yếu đi và lần điều chỉnh này có thể cũng chỉ mang tính nhất thời mà thôi”, ông Hiếu nói.

Đánh giá tác động của đồng nhân dân tệ tới Việt Nam, ông Hiếu cho rằng, nếu đồng tiền này mạnh lên sẽ khiến hàng nhập từ Trung Quốc đắt đỏ hơn, điều này có thể "vừa tốt vừa xấu cho Việt Nam”.

“Về mặt tốt là nhập siêu có thể giảm nhưng phải lưu ý, hàng hoá của mình sử dụng nhiều nguồn nguyên vật liệu đầu vào của Trung Quốc cũng sẽ trở lên đắt đỏ hơn, không thuận lợi cho sản xuất. Còn trong trường hợp nhân dân tệ phá giá và tỷ giá tiếp tục tăng thì hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong đó có hàng công nghệ, máy móc sẽ rẻ hơn và có lợi cho Việt Nam”, ông nói thêm.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *