Tiền và Hàng 24/02/2014 20:04

Xe đạp điện nhái: “Cò gỗ” mổ “cò thật”

Theo các cơ quan chức năng, trên thị trường hiện nay có tới 60% số xe đạp điện bày bán là hàng không chính hãng và đang xuất hiện nhiều loại xe thuộc dạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” khiến người tiêu dùng tiền mất tật mang.

Để đảm bảo an toàn, khách hàng nên tìm hiểu kỹ trước khi mua xe đạp điện.

Qua khảo sát tại thị trường Hà Nội, phần lớn xe đạp điện nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay đều được gắn các thương hiệu nổi tiếng thế giới của Đức, Đài Loan và Nhật Bản như: Honda, Yamaha, Bridgestone, Giant..., nhưng thực chất rất nhiều sản phẩm là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc được phù phép bằng cách dán nhãn mác hoặc chỉ một vài chi tiết nhỏ là hàng chính hãng.

Để trấn an khách hàng, chủ một cửa hàng trên phố Bà Triệu cho biết không thể nói là “xe nhái” vì các hãng như Yamaha, Honda họ đều có nhà máy ở Trung Quốc. Do vậy, khi hàng hoá xuất đi bắt buộc phải ghi xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện Cty Honda Sundiro tại Thượng Hải (Trung Quốc) chỉ sản xuất 3 mẫu xe đạp điện và Yamaha Motor Trung Quốc sản xuất 13 mẫu. Nhưng tại thị trường VN đang bày bán trên 13 mẫu xe Honda và 30 mẫu xe Yamaha. Do vậy, nếu khách hàng mua ở những cửa hàng nhỏ lẻ bán hàng không chính hãng thì khách hàng sẽ “dính” hàng nhái.

Theo một chủ cửa hàng trên phố Tôn Đức Thắng, hiện xe đạp điện đang có 2 cách làm giả chính là làm giả giống hệt từ kiểu dáng đến nhãn hiệu của xe thật và chỉ giả về nhãn hiệu còn kiểu dáng tự thiết kế. Chất lượng xe đạp điện giả rất kém ở 3 bộ phận quan trọng đó là ắcquy (hoặc pin sạc), động cơ và bộ điều khiển. Ắcquy kém chất lượng sẽ nhanh bị sụt điện, nhanh hết điện, làm cho quãng đường đi ngắn hơn. Nếu động cơ điện chất lượng kém làm cho xe có công suất yếu hay trục trặc, dễ bị ngấm nước khi gặp trời mưa to, đường ngập sâu; bộ điều khiển sử dụng các thiết bị điện tử thiếu chính xác, không đáng tin cậy, lúc đi nhanh, khi đi chậm không theo sự điều khiển của người sử dụng.

Do vậy tuổi thọ của loại xe này rất thấp và điều quan trọng là không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Giá nhập khẩu xe đạp điện giá rẻ chỉ bằng 2/3 so với xe đạp điện thật. Tuy nhiên về VN, xe đạp điện giả được lập lờ và đôi khi còn được bày lẫn với xe chính hãng và giá bán gần sát giá xe chính hãng. Mua phải xe đạp giả thiệt hại vô cùng, không những chi tiền bằng xe thật mà tuổi thọ lại kém hơn, hay gặp trục trặc trong vận hành, thường xuyên phải thay đồ và nhất là mất an toàn cho người điều khiển.

Theo ông Đặng Văn Công – phụ trách siêu thị xe đạp Thống Nhất số 2 Thái Hà (Hà Nội). Hiện Cty đã nhận được nhiều đề nghị của khách hàng chỉ đặt mua khung xe kể cả xe đạp điện và xe đạp thường, nhưng không được đồng ý vì những khách hàng này mua các thiết bị trôi nổi về lắp và lợi dụng uy tín của Cty cũng như thương hiệu của xe để đánh lừa khách hàng. Theo ông Công, để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng không mua hàng trôi nổi và nên mua những sản phẩm rõ nguồn gốc sản xuất, có bảo hành.

Theo Đặng Tiến

Lao động

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *