Thời sự 01/12/2014 22:56

Ngân hàng Nhà nước nói về vụ “4.385 đồng”

FICA - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, người dân gửi tiền tiết kiệm đã có lợi hơn trong việc nắm giữ tiền mặt ở thời điểm đổi tiền vì theo quy định chung là 10 đồng cũ “ăn” 1 đồng mới.

Ảnh: Tuổi trẻ

Vừa qua, dư luận xôn xao vụ bà Lê Thị Bích Thủy (quận Bình Thạnh, TP.HCM) gửi 270 đồng tiền tiết kiệm (theo mệnh giá năm 1983) vào quỹ tiết kiệm chi nhánh Bà Chiểu theo sự vận động của tổ dân phố lúc đó. Qua 30 năm, theo quy định về tiền gửi và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) trong từng thời kỳ, VietinBank đã tính toán số tiền gốc (270 đồng vào năm 1983) và lãi của khoản tiền gửi tiết kiệm của bà Thủy tính đến thời điểm 30/11/2014 là 4.385 đồng.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11 diễn ra chiều 1/12/2014, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc gửi tiền tiết kiệm của người dân được triển khai kể từ khi thành lập hệ thống ngân hàng.

Theo Phó Thống đốc, bà Thủy gửi tiền từ thời gian trước năm 1985, đến thời điểm năm 1985 thì xuất hiện việc đổi tiền. Theo pháp lệnh năm 1985 của NHNN về việc phát hành tiền, các các nhân nắm giữ đồng tiền được đổi từ đồng tiền cũ sang đồng tiền mới.

Qua rà soát NHNN thấy rằng, ở thời điểm đó, với tiền gửi tiết kiệm, Nhà nước đã có chính sách ưu đãi đặc biệt với những khoản tiền có số dư đến thời điểm chuyển đổi. Cụ thể, với những khoản tiền gửi trước 1/3/1978 được quy đổi theo tỷ lệ 1 đồng cũ = 1 đồng mới; từ 2/3/1978 đến 31/5/1981 được quy đổi theo tỷ lệ 2 đồng cũ = 1 đồng mới; từ 1/6/1981-31/12/1984 được quy đổi theo tỷ lệ 6 đồng tiền cũ = 1 đồng tiền mới, từ 1/1/1985 đến 31/7/1985 được quy đổi theo tỷ lệ 9 đồng cũ = 1 đồng mới; từ 1/8/1985 đến ngày đổi tiền áp dụng theo tỷ lệ 10 đồng cũ = 1 đồng mới.

Như vậy, Phó Thống đốc cho rằng, người dân gửi tiền tiết kiệm đã có lợi hơn trong việc nắm giữ tiền mặt ở thời điểm đổi tiền vì theo quy định chung là 10 đồng cũ “ăn” 1 đồng mới.

Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, tất cả các khoản tiền gửi tiết kiệm từ thời kỳ ngân hàng 1 cấp chuyển thành ngân hàng 2 cấp thì NHNN đều giao cho NHTM quản lý để thực hiện chi trả cho người gửi tiền và không có trường hợp nào mà NHNN không tất toán khoản tiền gửi hay thu phí quản lý dù số dư tiền gửi nhỏ hay không hoạt động trong thời gian dài. Từ trước tới nay, NHNN đều có văn bản hướng dẫn cho các NHTM chi trả cho người gửi tiền hoặc trực tiếp hướng dẫn về quy trình thủ tục và địa điểm chi trả khi công dân có yêu cầu. Theo đó, các NHTM sẽ có cách thức tổ chức điều hành để chi trả tiền gửi cho cá nhân người gửi tiền.

Về phía Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên nói: “chúng tôi nhận thức được rằng đất nước chúng ta trải qua những chặng đường lịch sử và vấn đề tiền gửi cũng trải qua những giai đoạn phức tạp, nhưng tất cả đều có những quy định riêng. Quan điểm của chúng tôi là làm thế nào để đảm bảo cho lợi ích của người gửi tiền một cách đầy đủ nhất theo đúng quy định pháp luật”.

Tại thời điểm hiện tại, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2014 giảm (-) 0,27% so với tháng trước, bình quân 11 tháng, CPI tăng 4,3%, theo đó, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm nhẹ 0,1-0,5%.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *