Thời sự 18/11/2014 15:44

Ngân hàng Nhà nước bán ra can thiệp tỷ giá?

50 VND là bước tăng mạnh nhất chỉ trong vài giờ giao dịch, bứt phá hẳn khỏi sự lặng lẽ đi lên của tỷ giá đầu tháng này và mạnh bạo hơn trong một tuần qua.

Tưởng như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là cá biệt khi áp 21.420 VND lúc 9h30 sáng nay (18/11), nhưng ngay sau đó các ngân hàng thương mại khác đã đồng loạt bám sát.

Còn rất ít lựa chọn

Biểu niêm yết phản ánh nhất định cái túi của ngân hàng. Giá mua chưa áp sát giá bán, thậm chí doãng ra từ 80-90 VND tạm thời chưa cho thấy sự quyết liệt của sức cầu. Thế nhưng, khi giá bán ra của ngân hàng thương mại vượt mốc định hướng của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, thông tin về đợt biến động này trở nên dày dặn hơn.

Tăng nhanh và mạnh, khoảng 150 VND chỉ trong khoảng một tháng trở lại đây, biến động tỷ giá USD/VND đang đánh động đối với các khoản vay ngoại tệ (vốn tăng trưởng mạnh từ giữa năm nay) và yêu cầu đóng trạng thái của các ngân hàng sau khi đã chuyển đổi vốn từ ngoại tệ trước đó.

Biến động mạnh khiến các chủ thể trên có lý do để quan ngại, kích thích thêm nhu cầu ngoại tệ trên thị trường, mặc dù trước đó có thể họ đã sử dụng các sản phẩm phòng ngừa rủi ro.

Còn với Ngân hàng Nhà nước, khi giá bán ra của Sở Giao dịch chính thức ngập dưới mức thực tế trên thị trường, họ còn rất ít lựa chọn, mà để can thiệp nhanh thường là phải bán ra bình ổn.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã vào cuộc mạnh hơn trong việc xử lý trạng thái dư thừa tiền đồng; lãi suất VND trên liên ngân hàng đã tăng trở lại đáng kể.

Liên quan, những gì tỷ giá đang thể hiện một lần nữa giải thích vì sao đại diện Ngân hàng Nhà nước nói rằng Thống đốc muốn tìm cách giảm lãi suất VND, hay việc hạ trần vừa qua là một cố gắng.

Trực tiếp bình ổn?

Trong bản tin của một ngân hàng thương mại công bố hôm qua (17/11), mối quan hệ giữa lãi suất với tỷ giá cũng được đề cập cụ thể ở quan ngại: một bộ phận người dân có thể rút tiền gửi VND lãi suất thấp, chuyển hướng đầu tư và một điểm đến là ngoại tệ.

Thứ đến, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ rất cao trong, đặc biệt từ tháng 6/2014 đến nay cũng đi cùng với áp lực nhất định về cầu ngoại tệ trả nợ khi lần lượt đáo hạn.

Áp lực trên là trong ngắn hạn và phía trước đã có chốt chặn. Cơ chế tín dụng ngoại tệ mở rộng hiện nay chỉ còn được áp dụng hơn một tháng nữa. Đến 31/12/2014, phần lớn các nhu cầu vay, theo Thông tư 29/2013, sẽ khép lại.

Tiếp theo, các thông tin bình luận trên thị trường đang hướng đến nhu cầu ngoại tệ mang tính mùa vụ, doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán nhập khẩu hàng hóa mùa tiêu dùng cuối năm… Điều này được minh họa bằng nhập siêu đã trở lại.

Ghi nhận của một số ngân hàng thương mại cũng cho thấy, trong khi lượng cung ngoại tệ từ doanh nghiệp cùng từ trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại suy giảm đáng kể thì lực mua lại đang thể hiện ở các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

Và cũng được một số phân tích “để mắt” đến, nhưng rất khó lượng hóa, là nhu cầu ngoại tệ nhập lậu vàng khi chênh lệch giá trong nước (cao hơn) với giá thế giới doãng rộng (?).

Như trên, khi tỷ giá vẫn nằm gọn trong biên độ cho phép (+/-1% theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng), chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra chưa phản ánh căng thẳng thực sự của cung - cầu, song hiệu ứng tâm lý và phản ứng của các chủ thể trên thị trường có thể khiến đợt biến động này chưa dừng lại.

Một khi cung - cầu có biểu hiện căng thẳng, giá mua vào áp sát giá bán ra và hướng trần biên độ, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải can thiệp một cách cụ thể hơn.

Cuối tháng 9 vừa qua Thống đốc từng dự tính, nếu điều chỉnh thì năm nay không quá 1,43% trong khi hồi cuối tháng 6 đã “dùng” 1%, tức khả năng điều chỉnh trong phần còn lại cũng không loại trừ.

Còn lúc này, biện pháp hiện thực hơn là Ngân hàng Nhà nước bán ra để trực tiếp bình ổn. Tình huống này đã phảng phất trên thị trường liên ngân hàng, khi mà trong sáng nay thị trường này cũng liên tiếp nhảy với mức tăng gần 50 điểm, còn nhà điều hành định hướng bán ra ở giá 21.400 VND. 

Theo Minh Đức

VnEconomy

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *