Thời sự 28/11/2014 07:37

Ngân hàng kêu oan vì... “nợ tiềm ẩn”

Đến mùa công bố báo cáo tài chính, nhiều ngân hàng kêu oan vì bị hiểu lầm “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng” như thể nợ bị mất vốn, thậm chí làm lu mờ kết quả lợi nhuận, dù đây là nghiệp vụ đem lại lợi nhuận cao.

Ông Trần Xuân Hoàng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư (BIDV) phân trần: “9 tháng đầu 2014, BIDV đạt lợi nhuận sau thuế hơn 3.534 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Nợ xấu chỉ chiếm 1,93%/tổng dư nợ”.

“Thế nhưng, thông tin BIDV có nợ tiềm ẩn gần 95 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm, đã làm lu mờ kết quả lợi nhuận!”. 

“Nợ tiềm ẩn” và nợ xấu là một?

Ông Hoàng cho biết thêm, khi thông tin “nợ tiềm ẩn của BIDV gần 95 nghìn tỷ đồng” tràn ngập thị trường, lãnh đạo ngân hàng này băn khoăn: hay là khi công bố thông tin ra bên ngoài (BIDV là đơn vị đã niêm yết) thì phải viết “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng” dưới tên gọi khác để tránh sự hiểu lầm? 

Tuy nhiên, câu trả lời ở đây là không thể, vì quy định chuẩn mực kế toán là vậy, không thể vì tránh sự hiểu lầm mà gọi khác đi. 

Theo hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng - contingent liability” được định nghĩa là nghĩa vụ nợ có khả năng phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra, và sự tồn tại của nghĩa vụ nợ này sẽ chỉ được xác nhận bởi khả năng hay xảy ra hoặc không hay xảy ra của một hoặc nhiều sự kiện không chắc chắn trong tương lai mà doanh nghiệp không kiểm soát được.

Hoặc nghĩa vụ nợ hiện tại phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra, nhưng chưa được ghi nhận, vì không chắc chắn có sự giảm sút về lợi ích kinh tế do việc phải thanh toán nghĩa vụ nợ hoặc giá trị của nghĩa vụ nợ đó không được xác định một cách đáng tin cậy.

Cũng vì bản chất như nêu trên nên hệ thống chuẩn mực kế toán cũng quy định, nghĩa vụ “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng” không được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán, mà chỉ được ghi nhận ngoại bảng.
 
Theo đó, các ngân hàng chỉ phải có trách nhiệm trình bày các nghĩa vụ “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng” và các cam kết sau: nội dung và giá trị của các cam kết cho vay không thể huỷ ngang; nội dung và giá trị của các nghĩa vụ “nợ tiềm ẩn” và các cam kết được trình bày ngoài bảng cân đối kế toán bao gồm các khoản liên quan đến cấp tín dụng gián tiếp (khoản bảo lãnh nợ, bảo lãnh thanh toán và thư tín dụng dự phòng có vai trò như là các khoản bảo lãnh tài chính cho các khoản vay và chứng khoán); các nghĩa vụ “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng” liên quan đến các nghiệp vụ kinh tế, như bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh dự thầu, các khoản đảm bảo khác và thư tín dụng dự phòng liên quan đến các nghiệp vụ đặc biệt...

Giới kiểm toán nói gì?

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc dịch vụ tài chính ngân hàng của EY, nói: “Không ai coi ‘nợ tiềm ẩn/tiềm tàng’ như khoản nợ mất vốn, nợ nghi ngờ mất vốn và đặc biệt là gán cho chúng hàm ý xấu”. 

Bà phân tích thêm, nghĩa vụ “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng” được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng...

Với những cam kết này, đối tác chỉ phải trả một khoản phí cho ngân hàng nhưng cũng có ngân hàng yêu cầu đối tác phải ký quỹ một khoản tiền rất lớn, thậm chí bằng 100% so với khoản cam kết đã đưa ra. 

Tất nhiên, mức phí và mức kỹ quý (nếu có) ở mức độ nào còn phụ thuộc vào mức độ rủi ro của đối tác mà ngân hàng đánh giá như thế nào. 

“Đấy là điều bình thường vì ngân hàng luôn muốn nắm đằng chuôi, đề phòng đối tác gặp rủi ro thì còn có một khoản là ký quỹ và/hoặc phí để bù đắp tổn thất khi bị vạ lây. Nhưng với những doanh nghiệp lớn như EVN, Petro Vietnam... thì ít ngân hàng nào yêu cầu ký quỹ vì dòng tiền gửi của những doanh nghiệp này mở ở tài khoản ngân hàng còn lớn gấp nhiều lần so với hạn mức cam kết giữa hai bên”, bà Thùy Dương giải thích. 

Cũng theo bà Thùy Dương, vì lý do chỉ là cam kết cấp tín dụng chứ không phải là khoản cho vay nên chúng không được ghi nhận ở nội bảng mà chỉ có thể đưa ra ngoại bảng.

Lúc đó, chúng được ghi nhận bằng thuật ngữ kế toán là “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng”; trừ phi xảy ra giảm sút lợi ích của doanh nghiệp và ngân hàng phải trả thay thì ngân hàng phải trích lập dự phòng cho nghĩa vụ trả thay nói trên. Đồng thời, khoản dự phòng này phải được đưa vào nội bảng do chúng làm giảm sút thu nhập ngân hàng. 

Và, phân tích như vậy để phân biệt rõ thế nào là nợ nội bảng, nợ ngoại bảng cũng như mức độ rủi ro của chúng. Cũng vì thế, chuẩn mực kế toán chỉ yêu cầu ngân hàng thuyết minh và trình bày khoản nợ ngoại bảng, không phải làm gì thêm; trừ phi rủi ro phát sinh và ngân hàng phải trích lập dự phòng. Lý do ở đây là những khoản nợ tiềm ẩn chưa đáp ứng đủ các yêu cầu để ghi nhận vào nội bảng, bà Thùy Dương nói.

Theo Nguyễn Hoài

VnEconomy

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *