Thời sự 08/07/2014 12:02

Lãi suất hiện nay đã giảm về mức hợp lý

Mặt bằng lãi suất hiện tại đã về mức hợp lý, do giảm gần 2/3 so với thời kỳ cao nhất, đồng thời nếu trừ lạm phát thì lãi suất hiện nay không còn lớn.


Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư chứng khoán, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Phước Thanh cho rằng, lãi suất hiện nay đã giảm khá nhiều. So với lịch sử đỉnh cao nhất thì lãi suất đã trở về thời kỳ kinh tế phát triển năm 2006 - 2007. Vì thế, mặt bằng lãi suất hiện tại đã về mức hợp lý, do giảm gần 2/3 so với thời kỳ cao nhất, đồng thời nếu trừ lạm phát thì lãi suất hiện nay không còn lớn.

Theo ông, mặt bằng lãi suất hiện nay đã phù hợp để khơi thông dòng chảy tín dụng?

Thực tế thời gian qua cho thấy, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay đã dần thu hẹp, chỉ 1 - 2%. Trong khi đó, với hoạt động tín dụng, chênh lệch giữa huy động và cho vay phải từ 3% trở lên mới đủ để ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro và kỳ vọng thu được lợi nhuận. Theo quy định, mỗi đồng vốn đi ra ngân hàng đã phải trích lập ngay 0,75% dự phòng chung, nhưng trong bối cảnh khó khăn, nợ xấu tăng hiện nay không chỉ với trích lập dự phòng chung mà đòi hỏi ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để trích dự phòng rủi ro riêng.

Do đó, nếu chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay chỉ còn mức 1,5 - 2% thì dự phòng đã ăn hết lợi nhuận. Lợi nhuận của ngân hàng trong những năm qua sụt giảm khá mạnh, thậm chí không đủ để trích dự phòng rủi ro. Vì thế, với giá vốn huy động 6 - 7%/năm hiện nay, cho vay ra 8 - 10%/năm, theo tôi, lãi suất đã phù hợp để vay.

Nhưng doanh nghiệp vẫn kêu lãi suất quá cao, tiếp cận vốn ngân hàng vẫn khó khăn?

Ngân hàng cho vay ra dựa trên vốn huy động, nếu huy động về mà không cho vay ra ngân hàng sẽ “chết”. Do đó, không thể nói rằng, các ngân hàng thương mại (NHTM) neo lãi suất cao để khó tiêu thụ vốn, mà hiện nay cạnh tranh giành thị phần cho vay giữa các NHTM cũng khá gay gắt nên lãi suất khó có thể duy trì ở mức cao. Doanh nghiệp vẫn kêu lãi suất ngân hàng cao nên không thể tiếp cận và mở rộng sản xuất - kinh doanh. Song trong bối cảnh thị trường khó khăn, chúng ta cũng phải hiểu rõ vấn đề, không chỉ lãi suất làm khó doanh nghiệp. Lãi suất chỉ là một giọt nước làm tràn ly, chứ không hẳn là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trước tình hình hiện nay.

Ngoài sức mua yếu, tồn kho tăng cũng cần xem xét đến chi phí của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cao hơn so với các nước trong khu vực nên không thể cạnh tranh được về giá, hàng hóa sản xuất khó tiêu thụ. Tất nhiên, cũng thừa nhận, lãi suất ngân hàng cao trong thời gian qua cũng là một nhân tố, nhưng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của doanh nghiệp. Mặt bằng lãi suất hiện đã và giảm khá nhiều so với trước

Nói vậy, có nghĩa lãi suất sẽ khó có thể giảm thêm trong thời gian tới, thưa ông?

Lạm phát kỳ vọng trong năm nay 5 - 6%/năm, tôi cho rằng, lãi suất huy động ở mức trần 6%/năm hiện là phù hợp. Vì vậy, rất khó có thể kỳ vọng việc NHNN điều chỉnh trần lãi suất huy động thêm một lần nữa so với mức trần hiện nay. Nếu lãi suất giảm xuống mạnh hơn mức trần 6%/năm sẽ khó khăn đối với ngân hàng nhỏ và con đường phía trước rất hẹp. Có thể, mức lãi suất huy động 5 - 6%/năm hiện nay cũng chưa hẳn hấp dẫn đối với người gửi tiền và là một trong những nhân tố có thể tác động đến các kênh đầu tư khác như: vàng, tỷ giá, chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay khi các kênh đầu tư chưa hồi phục sẽ khó hút tiền nhàn rỗi.

Liệu tiền nhàn rỗi có chảy qua các kênh đầu tư khác khi lãi suất tiền gửi quá thấp?

Sở dĩ nguồn tiền nhàn rỗi không chảy mạnh vào vàng và USD khi lãi suất giảm là do tỷ giá ổn định và thị trường vàng được kiểm soát chặt chẽ. Tỷ giá vừa được điều chỉnh tăng thêm 1%, nhưng không phải do cung - cầu ngoại tệ không cân đối được hoặc cầu tăng, mà chủ yếu để hỗ trợ xuất khẩu, do thời gian qua xuất khẩu khó khăn. Đồng thời, việc điều chỉnh tỷ giá để cân đối lại VND so với các đồng tiền khác, tránh trường hợp VND được định giá quá cao. Thị trường sau gần 1 tháng NHNN điều chỉnh tăng 1% đối với tỷ giá vẫn không có biến động lớn, do cung ngoại tệ dồi dào, trong khi cầu không tăng. Thêm vào đó, NHNN tuyên bố tỷ giá sẽ không tăng quá 2% năm nay, trong khi lãi suất gửi tiết kiệm ngoại tệ hiện nay chỉ còn 0,5 - 1%/năm nên tình trạng tích trữ USD giảm hẳn.

Đối với vàng, thời gian qua, vàng trượt giá không nhiều, người mua vàng cũng không được lợi lớn, thậm chí còn thua lỗ. Đồng thời, mua vàng hiện nay người dân cũng không biết gửi vào đâu, vì các NHTM không còn được huy động vàng. Do đó, nếu cho phép NHTM huy động vàng sẽ khó có thể tránh được tình trạng tiền đồng chảy sang vàng. Bởi nếu so với mục tiêu lạm phát 5 - 6%/năm trong năm nay, giả sử gửi vàng lãi suất 2%/năm thì khả năng nhiều người vẫn chọn vàng, vì cân đối vẫn có lãi hơn gửi tiết kiệm tiền đồng. Nhưng hiện nay, nếu gửi vàng vào NHTM, khách hàng phải mất phí và NHNN hạn chế. Mặt khác, việc NHNN quản lý vàng chặt chẽ nên giới đầu cơ không thể tạo “sóng” được như trước. Niềm tin của người dân vào việc điều hành thị trường vàng của NHNN đã dần được cũng cố. Vì thế, nguồn tiền nhàn rỗi khó chảy mạnh vào thị trường vàng như trước. 

Do vậy, có thể thấy được rằng, việc giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay chưa tác động đến các kênh đầu tư khác, trong đó có ngoại tệ và vàng. Với điều kiện quản lý thị trường vàng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tăng trưởng tín dụng như hiện nay… tôi cho rằng, giảm lãi suất chưa có tác động lớn đến USD, vàng. Còn đối với bất động sản, tâm lý người mua hiện nay vẫn kỳ vọng giá sẽ giảm thêm. Do đó, những người có nhu cầu về nhà ở vẫn chưa vội mua, cộng với thu nhập không tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn nên nhu cầu về nhà ở có, nhưng chưa mua.

Ngược lại, với ngân hàng, cho dù nguồn vốn huy động đang dôi dư, song không thể ồ ạt đẩy mạnh cho vay mà đòi hỏi kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu. Trong khi đó, với các chủ đầu tư, nhà kinh doanh thì đã gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, giới kinh doanh bất động sản cũng phần nào nhìn thấy được bức tranh của thị trường chưa thể kỳ vọng sớm tan băng nên khó rót thêm tiền.

Vậy tại sao NHNN không bỏ trần đối với lãi suất huy động, thưa ông?

Với trần lãi suất huy động hiện nay dù có duy trì, nhưng xem như là đã bỏ. Bởi mức trần hiện nay cũng không nói lên được điều gì, do lãi suất ở các kỳ hạn trên 6 tháng đã được thỏa thuận giữa ngân hàng với người gửi tiền. Tuy nhiên, NHNN cũng nhận thấy không cần thiết phải bỏ trần đối với lãi suất huy động. Vì một khi áp trần thì các NHTM không thể phá vỡ được ngưỡng trần đối với kỳ hạn tiền gửi 1 - 5 tháng, ổn định lãi suất.

Tín dụng nửa đầu năm chỉ mới đạt gần 3,6%. Theo ông, tín dụng thời gian tới liệu có được cải thiện?

Tôi cho rằng, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong những tháng tới sẽ có cải thiện, nhất là những tháng gần cuối năm khi mùa vụ kinh doanh vào thời kỳ cao điểm. Nhưng cũng phải nhìn nhận một điều rằng, trước tình hình sức mua và tồn kho chưa cải thiện nhiều hiện nay, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ chưa được như kỳ vọng. Trong  khi đó, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% năm nay, lượng tiền đưa ra trong nửa cuối năm sẽ rất lớn, nhưng tăng trưởng tín dụng tùy thuộc vào cung - cầu thị trường. Còn thực tế hiện nay cho thấy, các NHTM đang phải đối mặt với một thách thức lớn là huy động về không thể cho vay ra, song nhiều ngân hàng còn cho biết “thà từ chối nhầm còn không cho vay nhầm, hay nói cách khác là thà để tiền trong kho còn hơn cho vay ra để gánh nợ khó đòi”.

Vì tình hình kinh tế hiện nay đang tạo ra nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp và cả ngân hàng. Trong khi đó, hoạt động cho vay của ngân hàng là tính toán ở thời điểm hiện tại, nhưng lại cho vay trong tương lai nên không thể đoán trước được tình hình, nhất là khi kinh tế khó khăn và thời gian qua đã có nhiều vụ việc xảy ra. Đặc biệt là khi tình hình nợ xấu vẫn là mối lo ngại lớn đối với NHTM trong quá trình cho vay hiện nay.  

Theo Thùy Vinh
ĐTCK

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *