Thời sự 02/11/2013 07:32

Lãi suất hấp dẫn vẫn khó "hút” doanh nghiệp

Mặc dù lãi suất ngân hàng giảm sâu nhưng doanh nghiệp không mặn mà vay đầu tư vì bản thân doanh nghiệp còn nhiều bế tắc trong định hướng kinh doanh cũng như các thủ tục hành chính còn chưa được thông thoáng.

Đó là kiến nghị của nhiều doanh nhân là đại biểu Quốc hội trong cuộc gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chiều 25/10. Cuộc gặp có sự tham dự của gần 40 doanh nhân là hội viên Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam (Hội LHTN Việt Nam) và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với các doanh nhân là đại biểu Quốc hội.

Doanh nghiệp còn dè dặt

Lãi suất ngân hàng giảm sâu nhưng doanh nghiệp không mặn mà vay đầu tư là vấn đề nhiều doanh nhân kiến nghị tháo gỡ. Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP thép Việt Đức, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, chưa khi nào doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ như hiện nay. Ngân hàng mang tiền đến tận nơi sẵn sàng cho vay, dù mức lãi suất chỉ còn 13% nhưng có rất ít doanh nghiệp muốn vay vì làm cũng không đủ trả lãi.

Ông Đinh Huy Chiến, Chủ tịch HTX vận tải và công nghiệp Chiến Công cho biết, so với thời điểm cao nhất thì lãi suất vay vốn đã giảm 50% nhưng doanh nghiệp không mặn mà vay đầu tư vì hàng làm ra không tiêu thụ được, doanh nghiệp không có lợi nhuận. Ngân hàng là ngành tiếp máu cho nền kinh tế nhưng cũng đang gặp khó, có tiền trong tay cũng khó tìm đối tác cho vay, không có tích lũy mà nợ xấu còn ở mức cao. Ông Chiến kiến nghị, quá trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu cần tiến độ nhanh hơn, làm sao để hệ ngân hàng thật sự minh bạch, rõ ràng để dễ tiếp cận và tạo lực phát triển cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TP Đà Nẵng kiêm Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Lê Văn Hiểu bày tỏ, khả năng hấp thụ vốn ngân hàng là một trong những điểm nghẽn lớn của nền kinh tế nhưng họ đang chịu áp lực lớn từ thủ tục đáo nợ. Ở Đà Nẵng, doanh nghiệp địa phương hiện rất khó khăn, đến kì đáo nợ thì lo chạy vạy khắp nơi, phải hùn tiền giúp nhau. Thủ tục này chỉ mang tính hình thức nhưng khiến doanh nghiệp thêm kiệt sức, ảnh hưởng đến kinh doanh, sản xuất trong khi để đồng vốn “chạy” thì quá trình hấp thụ vẫn diễn ra, sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp. “Sức mua và lực cầu nền kinh tế hiện ở mức thấp, hàng hóa tiêu thụ rất chậm, cần có chính sách kích cầu tiêu dùng nếu không doanh nghiệp còn “ra đi” nhiều hơn. Ông Hiểu đề xuất, trong giai đoạn hiện nay, nên có cơ chế cho phép linh hoạt trong đáo nợ, khoanh và giãn nợ, gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” - ông Hiểu đề xuất.

Còn nhiều rắc rối về thủ tục hành chính

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Anh Quân, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân phản ánh, nhiều doanh nghiệp còn sợ cơ chế “một cửa”. Khi ra đời cơ chế này, doanh nghiệp kì vọng sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian. Trên thực tế, doanh nghiệp đi qua “một cửa” này là không dễ. “Nếu đã là “một cửa” thì khi đưa hồ sơ, doanh nghiệp còn thiếu gì thì nói một lần để hoàn thiện cho xong nhưng đi lại đến 10 ngày, một tháng thậm chí cả năm sau hồ sơ vẫn ...thiếu. Cơ chế “một cửa” mà hồ sơ đi cả năm trời không qua được”, ông Quân nói.

Có chung kiến nghị cải cách triệt để giải quyết thủ tục hành chính, cơ chế chính sách hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các khu công nghiệp tại Việt Nam còn đọng lại hiện nay thấp hơn nhiều nếu so sánh với giai đoạn 2007 - 2008. Giá thuê đất thô tăng từ 1 – 5 lần khiến sức thu hút, cạnh tranh giảm sút. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển qua đầu tư ở Myanmar nơi có chính sách ưu đãi tốt hơn dù điều kiện vật chất, chất lượng nhân công không bằng Việt Nam. Đề án cải cách hành chính đã làm được nhiều việc đáng ghi nhận nhưng quy trình cấp phép còn kéo dài, đối tác trong nước phải làm thay khiến nhà đầu tư nước ngoài nản lòng. Bà Hường cho rằng, nếu xác định cơ chế chính sách tạo ra sức cạnh tranh thì phải rút ngắn khoảng cách từ chủ trương chính sách đến quy trình vận hành thực tiễn để giữ các nhà đầu tư nước ngoài ở lại Việt Nam lâu dài chứ không phải là điểm “tráng qua”.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng, trong khó khăn, nền kinh tế đã bộc lộ nhược điểm, phần lớn doanh nghiệp có xuất phát điểm không cao; Doanh nghiệp khó khăn phần lớn trong nhóm vừa và nhỏ. Trong giai đoạn trung hạn, cần có chính sách tập trung chính sách củng cố sức cạnh tranh, hỗ trợ đầu tư cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, định hướng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để hút đầu tư và học hỏi từ quá trình chuyển giao công nghệ của nước ngoài, giải quyết việc làm cho người lao động trong nước.

Tiếp thu ý kiến của các doanh nhân, chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, đất nước phát triển công nghiệp hóa đất nước thì phải có doanh nghiệp, doanh nhân chứ không thể hô khẩu hiệu mà thực hiện ý đồ chiến lược này. Nhưng hiện nay, doanh nghiệp đang bị vây hãm trong nhiều khó khăn, đang phải lo đối phó, chống đỡ. Lạm phát được kiềm chế, song song tái cơ cấu, ngân hàng đã giảm lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế mà doanh nghiệp vẫn “kêu”, nông dân cần vốn nhưng tiền không tới được thì rõ ràng chính sách vĩ mô bộc lộ sự chưa chắc chắn. Doanh nhân phải tập trung trí tuệ, kiến nghị thẳng thắng để trong nghị quyết Quốc hội kì này có giải pháp sát sườn tháo gỡ khó khăn.

“Cùng với Chính phủ, VCCI và Hội LHTN Việt Nam theo dõi sát tình hình các doanh nghiệp, đừng tiếc công, phải làm mạnh mẽ, dồn sức giúp doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, đây là trọng trách lớn, không thể để lình xình mãi được. Doanh nghiệp vướng ở ngành nào thì phải mời đại diện ngành đó bàn cách tháo gỡ. Nền kinh tế vĩ mô muốn ổn định và phát triển thì sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp phải phát triển mạnh” - Chủ tịch nước mong muốn.

Theo Hồng Hương
DĐDN

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *