Thời sự 24/08/2014 11:34

Lãi suất giảm, tiền vẫn chảy vào ngân hàng

Các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ vẫn chưa đủ hấp dẫn nên tiền nhàn rỗi tiếp tục đổ vào ngân hàng.

Dù lãi suất tiết kiệm liên tục giảm mạnh trong thời gian qua và không ít người gửi tiền đã rầu rĩ vì điều này, song do các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ vẫn chưa đủ hấp dẫn nên tiền nhàn rỗi tiếp tục đổ vào ngân hàng.
 
 

Tiền tiếp tục vào ngân hàng…

NHNN vừa cho biết, đến ngày 31/7, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tăng 7,36%, huy động vốn tăng 6,98%. Trong đó, huy động bằng VND tăng 7,92%, huy động bằng ngoại tệ tăng 1,31% so với cuối năm 2013.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đến nay đã giảm 0,5 - 1,5% điểm phần trăm so với cuối năm 2013. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, lãi suất huy động và cho vay hiện đã ở mức hợp lý, huy động vốn của NHTM tiếp tục tăng trưởng, đường cong lãi suất được thiết lập lại, thanh khoản của hệ thống được cải thiện.

Một số ngân hàng thậm chí tăng trưởng huy động vốn vượt rất cao so với mặt bằng chung, chẳng hạn tại Vietcombank đạt mức 378.780 tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm, cao gần gấp đôi so mức tăng bình quân của toàn ngành. Tại ACB, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn đạt 6,6%, cao gấp đôi tín dụng. Ở BIDV, huy động vốn tăng 14% trong 6 tháng đầu năm, trong khi tín dụng chỉ tăng trưởng vài phầm trăm. Duy chỉ có Eximbank, cả huy động và tín dụng 6 tháng tăng trưởng âm khoảng 3%.

Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, với điều kiện thị trường vàng, ngoại tệ được quản lý, điều tiết như hiện nay, vàng và USD đã không còn biến động đủ lớn để thu hút hoạt động đầu cơ, hơn nữa, vàng được dự báo vẫn đang trong xu hướng giảm về dài hạn. Còn với bất động sản, người mua hiện vẫn kỳ vọng giá sẽ giảm thêm… Vì vậy, ngân hàng vẫn là lựa chọn ưu tiên.

… rồi chảy sang trái phiếu chính phủ

Huy động tăng ổn định, thanh khoản dồi dào, nhưng điều kiện nền kinh tế và nợ xấu tồn đọng chưa cho phép các ngân hàng đẩy mạnh vốn ra. Bởi vậy, nhiều ngân hàng đã và đang tìm đến với kênh đầu tư trái phiếu chính phủ.

“Không cho vay được, ngân hàng vẫn phải trả lãi suất tiết kiệm, nên mua trái phiếu chính phủ dù lãi suất giảm xuống còn 5%/năm cho kỳ hạn 1 năm và hơn 4%/năm cho kỳ hạn 2 năm vẫn là lựa chọn của nhiều ngân hàng”, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, nhận định. Việc Chính phủ thu hút được nguồn vốn qua phát hành trái phiếu sẽ tạo điều kiện để đầu tư vào kết cấu hạ tầng, kích cầu nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, vốn đầu tư qua kênh trái phiếu chính phủ sẽ không giúp tạo được hàng hóa ngay.

Vai trò của các NHTM là huy động nguồn vốn về phải đẩy mạnh cho vay và đưa vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho xã hội, tạo sức mua, chứ không phải huy động về chỉ để mua trái phiếu chính phủ.

Ông Kiêm cho rằng, cũng không nên giảm mạnh lãi suất trái phiếu chính phủ so với hiện nay. Nếu giảm được lãi suất trái phiếu sẽ tiết kiệm được chi phí cho ngân sách, tạo được mặt bằng lãi suất mới, nhưng nếu giảm nhiều so với mặt bằng lãi suất tiền gửi khiến các đợt đấu thầu không thành công thì cũng không phải là giải pháp tốt.

Nhưng lãi suất huy động khó giảm thêm

Mặc dù kẹt đầu ra, thừa thanh khoản và phải chấp nhận đầu tư  trái phiếu chính phủ để đổi lấy sự an toàn hơn là lợi nhuận, nhưng các ngân hàng vẫn khó có thể giảm lãi suất huy động thêm nữa. Lý do chính là mặt bằng lãi suất hiện nay đã về sát tỷ lệ lạm phát kỳ vọng.

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, mặc dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào song lãi suất tiết kiệm sẽ khó có thể giảm thêm. Việc giảm lãi tiền gửi cần căn cứ vào xu hướng lạm phát. Nếu lạm phát cao hơn mặt bằng lãi suất thì ngân hàng sẽ rất khó huy động tiền gửi.

“Với xu hướng lạm phát như hiện nay và dự đoán cả năm ở mức 5,5 - 6%, lãi suất huy động phải từ 6%/năm trở lên mới có thể huy động được tiền nhàn rỗi vào ngân hàng”, ông Kiêm lý giải.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cũng cho rằng, nếu lãi suất giảm xuống mạnh hơn trần lãi suất huy động 6%/năm hiện nay thì sẽ khó khăn đối với ngân hàng trong hoạt động huy động tiền gửi.

“Với tỷ lệ lạm phát được kiểm soát 5 - 6%/năm thì lãi suất huy động ở mức hiện nay là phù hợp”, ông Thanh nói và cho biết thêm, rất ít khả năng NHNN sẽ hạ trần lãi suất huy động thêm một lần nữa.

Theo Thùy Vinh
ĐTCK
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *