Thời sự 29/10/2014 07:47

Lãi suất cho vay giảm, lợi nhuận ngân hàng “hao hụt”

FICA - Trao đổi tại cuộc họp báo chiều 28/10, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết

Chia sẻ về quyết định cắt giảm lãi suất theo thông điệp của Thống đốc, lãnh đạo một số ngân hàng thừa nhận, việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 7%/năm, trung và dài hạn xuống 10%/năm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của ngân hàng.

 

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, kể từ ngày 29/10 sẽ điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Như vậy, sau động thái giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trong thời gian qua, cơ quan điều hành đã “bắt nhịp” cùng thị trường để cắt giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn. Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động kỳ ngắn hạn xuống 4,5%. Theo đó, có thể nói, quyết định giảm trần lãi suất huy động của NHNN lần này sẽ không tác động nhiều tới mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN.

 

Trao đổi tại cuộc họp báo chiều 28/10, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết: Cùng với quyết định giảm trần lãi suất huy động, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng (TCTD) với một số ngành kinh tế ưu tiên từ 8%/ năm xuống 7%/ năm.

 

Tại buổi họp báo, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) cùng đồng thuận với lời kêu gọi của Thống đốc và cam kết hạ lãi suất cho vay trung, dài hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên xuống 10%/năm, bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 7%/năm như quyết định của NHNN.

 

Trả lời báo chí về việc các ngân hàng thương mại khác có đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên nói trên không, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, các ngân hàng thương mại sẽ tự cân đối hài hòa lợi ích, dựa trên tình hình tài chính của mình, đồng thời đảm bảo hiệu quả đồng vốn cũng như đóng góp vào ngân sách... trên cơ sở phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô và quốc tế để có sự cân nhắc giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay.

 

Cũng theo bà Hồng, mặc dù quy định trần lãi suất huy động nhưng NHNN không quy định trần lãi suất cho vay, bởi nếu quy định lãi suất cho vay sẽ không tạo được sự linh hoạt trong lãi suất đối với những khách hàng được ưu tiên.

 

Chia sẻ về quyết định cắt giảm lãi suất theo thông điệp của Thống đốc, lãnh đạo một số ngân hàng thừa nhận, việc giảm lãi suất ngắn hạn xuống 7%/năm và trung và dài hạn xuống 10%/năm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của ngân hàng.

 

Đại diện Vietcombank cho biết, ngân hàng luôn ủng hộ chính sách của NHNN và hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. “Tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã gần 10% và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt mức 16%. Để đạt được kế hoạch ngân hàng sẽ phải điều chỉnh lãi suất sao cho hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp”, đại diện Vietcombank cho hay.

 

Tuy nhiên, theo đại diện Vietcombank, quyết định điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng này. Dù vậy, Vietcombank sẽ bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất cho vay xuống 7%/năm cho kỳ ngắn hạn và 10% cho kỳ trung và dài hạn bắt đầu từ ngày mai 29/10.

 

Để chia sẻ và giúp doanh nghiệp vượt khó, ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết sẽ ủng hộ quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 7%/năm và trung và dài hạn xuống 10%/năm của NHNN. Tuy nhiên, quyết định này sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng.

 

Đặc biệt, theo bà Bùi Như Ý, Phó tổng giám đốc VietinBank, quyết định giảm lãi suất của NHNN sẽ làm cho chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay của các ngân hàng co hẹp lại. Hiện chênh lệch này của VietinBank là 2 - 2,5%. Tuy nhiên, lần điều chỉnh giảm lãi suất này của NHNN có thể còn làm co hẹp thêm chênh lệch lãi suất của VietinBank.

 

“Tại sao có việc đó, vì với phần huy động tiền gửi khi huy động được 10 thì chúng tôi không thể dùng cả 10 đó để cho vay mà cần phải dự trữ đặc biệt, trích lập dự phòng rủi ro, trích lập chi phí hoạt động. Do đó, hiện nay, VietinBank chênh lệch này khoảng 2-2,5% và chênh lệch đó ngày càng giảm. Còn với lời hiệu triệu từ Thống đốc, chúng tôi tiếp tục giảm lãi suất và làm chênh lệch đó giảm hơn”, đại diện VietinBank phân tích.

 

Nhưng theo khẳng định của bà Ý: “Việc giảm lãi suất là hợp lý, bởi tính đến thời điểm này, VietinBank mới tăng trưởng tín dụng được 6,5%, trong khi mục tiêu tăng trưởng là 14 - 15%. Điều đó có nghĩa, VietinBank sẽ giảm lãi suất để kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, cho dù, việc giảm này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng”, bà Ý chia sẻ.

 

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *