Thời sự 30/07/2014 10:34

Hàng chục nghìn tỷ nợ tái cơ cấu, rủi ro tiềm tàng ngoài báo cáo tài chính

FICA - Năm 2012, Agribank đã tái cơ cấu 50.990 tỷ đồng (tương đương 10,5% tổng dư nợ). Con số này đối với VietinBank là 12.300 tỷ đồng (tương đương 3,7% tổng dư nợ).


Báo cáo Kiểm toán năm 2012 của Kiểm toán Nhà nước tại 3 ngân hàng Agribank, Vietcombank (VCB) và VietinBank (CTG) vừa công bố các số liệu cụ thể về nợ xấu, bao gồm cả nợ được tái cấu trúc theo quyết dịnh 780 của các ngân hàng này.

Trong đó, tỷ lệ nợ xấu đã bao gồm cả nợ tái cấu trúc của Agribank và VietinBank trong năm 2012 đều cao hơn nhiều ngưỡng 3%, lần lượt ở mức 15,68% và 5,23% và vượt xa con số công bố 5,23% và 1,5% (không có nợ tái cơ cấu) của hai ngân hàng.

Dựa theo số liệu này, theo tính toán sơ bộ của Chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS), Agribank đã tái cơ cấu 50.990 tỷ đồng (tương đương 10,5% tổng dự nợ). Con số này đối với VietinBank là 12.300 tỷ đồng (tương đương 3,7% tổng dư nợ).

Mặc dù những thông tin quá khứ này không mới nhưng đây là điểm nhóm phân tích VCBS lưu ý nhà đầu tư khi xem xét tình hình hoạt động của các ngân hàng.

Theo đó, ngoài các con số thể hiện chất lượng tài sản trên báo cáo tài chính thì quy mô số dư nợ được tái cơ cấu theo Quyết định 780 cũng là một yếu tố chứa đựng rủi ro tiềm tàng với chất lượng tài sản.

Theo VCBS, chất lượng quản trị rủi ro là một trong những tiêu chí quan trọng khi đánh giá hiệu quả hoạt động của một ngân hàng. Nhà đầu tư vẫn được khuyến nghị chú ý tới hai mã ngân hàng là VCB và MBB do sự tăng trưởng tương đối ổn định và chính sách quản trị rủi ro thận trọng và hiệu quả.

Cũng liên quan đến ngành ngân hàng, ngày 24/7/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai Chỉ thị 11 ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung đáng quan tâm trong văn bản này là NHNN chỉ đạo các TCTD tăng khả năng cho vay không có tài sản đảm bảo, đơn giản hóa thủ tục cho vay, cơ cấu lại các khoản vay vốn có lãi suất cao trước đây.

Điều này, theo VCBS, tiếp tục cho thấy quyết tâm và nỗ lực đẩy nhanh tín dụng đầu ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khá chậm chạp trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý rằng, việc tín dụng chưa được đẩy mạnh vẫn chủ yếu do nhu cầu đi vay của các doanh nghiệp và cá nhân, hay cầu đầu tư, phục hồi tương đối yếu. Ngoài ra, mặc dù có chỉ đạo của NHNN nhưng việc có cho vay có hay không có tài sản đảm bảo vẫn sẽ phụ thuộc mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng.

Hiện tại, việc cho vay không có tài sản đảm bảo ở các ngân hàng chủ yếu ở mảng cho vay tiêu dùng cá nhân trong khi việc các tổ chức và doanh nghiệp tiếp cận loại hình tín dụng này là khá ít do ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro cao. Như vậy, tác động tích cực của văn bản này đền đâu có lẽ vẫn cần chờ đợi thêm thời gian để kiểm chứng, theo VCBS.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *