Thời sự 02/06/2014 06:43

Gói tín dụng ưu đãi cho ngư dân: Không thể chậm trễ hơn

“Sẽ là một sai lầm lớn nếu chính sách tài chính, tín dụng cho ngư dân vẫn bị chần chừ và chậm trễ vì những quan ngại về sự rủi ro. Chính sách kinh tế biển và quốc phòng cho ngư dân phải là một chính sách không thể chậm trễ được nữa”.

Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi nhận định như vậy khi trao đổi với NTNN về gói tín dụng cho ngư dân vừa được Bộ NNPTNT đề xuất.

 

 

chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi
Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi

Vẫn mang tính thụ động

Thưa ông, thời gian gần đây, đã có rất nhiều chính sách tín dụng ưu đãi được đề xuất để hỗ trợ cho lĩnh vực tam nông phát triển, chẳng hạn như cho vay để tái canh cây cà phê, ưu tiên cho vay đối với các dự án gắn sản xuất với tiêu thụ… Ông đánh giá ra sao về chính sách ưu đãi, hỗ trợ tín dụng, đầu tư đối với lĩnh vực trọng tâm này của nền kinh tế?

- Chính sách, chiến lược tam nông đã được triển khai theo Nghị quyết số 25-NQ/T.Ư ngày 25.7.2008. Đến ngày 28.5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ký ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN về cho vay “thí điểm” phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn. Như vậy gần 6 năm, chính sách, chiến lược tam nông, mới bắt đầu có những quy định cụ thể về “cho vay thí điểm” phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Nếu cho rằng tam nông là lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế thì rõ ràng chương trình tín dụng ưu đãi đang được đẩy mạnh qua các ngân hàng quốc doanh và vài ngân hàng thương mại khác đã cho thấy việc triển khai chính sách tài chính - tín dụng cho tam nông đã bị lệch hướng ở đâu đó trong suốt 6 năm qua.

 

 

Chính sách phải chấp nhận những loại rủi ro mà ngư dân không hoặc chưa thể gồng gánh được. (Ngư dân xã Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An đóng tàu lớn vươn khơi.)
Chính sách phải chấp nhận những loại rủi ro mà ngư dân không hoặc chưa thể gồng gánh được. (Ngư dân xã Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An đóng tàu lớn vươn khơi.)

Tôi cầu mong chương trình “cho vay thí điểm” này sẽ được thực hiện và triển khai đúng với Quyết định số 1050/QĐ-NHNN thì tam nông Việt Nam sẽ thật sự có một bước khởi đầu rất quan trọng trên con đường kinh tế nông nghiệp trong khuôn khổ thực hiện các cam kết WTO. Nông dân Việt Nam thua thiệt lắm rồi. Đã trễ lắm rồi.

Cũng từ đầu năm 2014, thông tin về chương trình tín dụng lớn dành cho lĩnh vực tam nông rất thu hút sự quan tâm của dư luận. NHNN cũng đã khẳng định sẽ sớm triển khai chương trình tín dụng này, trong đó trọng tâm là tạo điều kiện để các doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng công nghệ cao có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Theo ông, ngoài những ưu đãi về vốn thì cần phải có chính sách gì để tạo động lực cho nông nghiệp trở thành bệ đỡ của nền kinh tế?

- Như đã nêu trong câu trả lời trên, một lần nữa tôi cho rằng chính sách tam nông của Việt Nam không những đã bị xem là thứ yếu, triển khai chậm mà còn bị lệch hướng vì những chính sách kinh tế khác. Rõ ràng nhất là chính sách tài chính - tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, cũng như nhiều chuyên gia đã có ý kiến, tôi cầu mong chương trình “cho vay thí điểm” lần này sẽ là một chương trình và kế hoạch tín dụng “thật” và lâu dài; thứ hai nữa là chính sách đất đai cũng phải được minh bạch và có lợi cho đại đa số nông dân chứ không nhập nhằng để có lợi cho những nhóm lợi ích khác. 

Chỉ mới cách đây vài ngày, Bộ NNPTNT đã công bố đề xuất với Chính phủ một loạt chính sách hỗ trợ chưa từng có cho ngư dân, trong đó có việc ưu đãi lãi suất khi ngư dân vay vốn để đóng tàu vỏ thép. Ông có thể đánh giá tính khả thi của đề xuất này?

- Ở phương diện chiến lược và phát triển kinh tế biển, đến bây giờ Bộ NNPTNT mới chính thức đề xuất chính sách này cũng là quá muộn màng, mang tính thụ động hơn là chủ động. Đúng ra và đáng ra chính sách và kế hoạch này phải được triển khai ngay trong thập niên đầu của thế kỷ này hoặc chậm lắm là ngay trong giai đoạn chúng ta gia nhập WTO. Hẳn nhiên là tính khả thi của đề xuất này là có, nhưng khả thi và hiệu quả đến đâu thì còn tùy vào việc triển khai của những bộ máy của hệ thống: Bộ NNPTNT – NHNN – Bộ Tài chính – các ngân hàng thương mại… 

Chấp nhận rủi ro

Lâu nay rất nhiều ý kiến cho rằng các chính sách hỗ trợ thường không đúng đối tượng, thậm chí chính sách chưa phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, với đề xuất cho ngư dân vay vốn đóng tàu, có ý kiến lo ngại thiếu thực tế vì ngư dân sẽ không dám vay hàng chục tỷ để đóng tàu trong khi ra biển gặp rất nhiều rủi ro…Quan điểm của ông về vấn đề này?

 

 

"Liệu còn có những khó khăn nào của chính sách tài chính - tín dụng lớn hơn những khó khăn của ngư dân, lớn hơn cả việc tính mạng của họ đang bị đe dọa hàng ngày trên ngư trường không? Tôi tin rằng không khó để tìm ra câu trả lời đúng”.

Chuyên gia Lê Trọng Nhi 

- Có hoạt động kinh doanh nào mà không có rủi ro? Có chính sách kinh tế nào mà không bị các đối tượng hoặc nhóm đối tượng “không đàng hoàng” lợi dụng? Tôi tin vào ngư dân – người thật việc thật - và chính sách này phải đặt ngư dân là đối tượng chính. Cũng như chính sách tam nông – nông dân phải là đối tượng chính chứ không phải ai khác.

Vì vậy, chính sách phải chấp nhận những loại rủi ro mà ngư dân không hoặc chưa thể gồng gánh được. Ngư dân biết những rủi ro gì trên biển và họ biết phải chấp nhận - gồng gánh – ngay cả tính mạng của họ. Nhìn những đoàn tàu cá vỏ thép của Trung Quốc rượt đuổi những chiếc tàu cá vỏ gỗ của ngư dân chúng ta ngoài vùng biển Hoàng Sa trong những ngày qua, những quan ngại rủi ro trong chính sách phải được đóng khung và định giá rõ. 

Theo ông, để khắc phục những khó khăn, rủi ro nhằm tạo điều kiện để ngư dân có đội tàu lớn mạnh, góp phần bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước cần phải có chính sách gì để tháo gỡ những khó khăn trên?

- Những gì đang xảy ra trên vùng biển của Việt Nam – và suy cho cùng chính là lĩnh vực ngư nghiệp trên biển xa - luôn là lĩnh vực đầy nguy hiểm và nhiều rủi ro. Hơn nữa, kinh tế biển là lĩnh vực quan trọng và thiết yếu của nền kinh tế Việt Nam cho nên sẽ là một sai lầm lớn nếu chính sách tài chính-tín dụng cho ngư dân vẫn bị chần chừ và chậm trễ vì những quan ngại về những loại rủi ro vốn không thể khác. Chính sách kinh tế biển và quốc phòng cho ngư dân phải là một chính sách không thể chậm trễ hơn nữa.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Phương Hà

Dân Việt

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *