Thời sự 16/07/2014 17:07

Giăng bẫy cho vay tiêu dùng

Do có ý định chiếm đoạt tài sản, Nhãn đã lên một trang mạng rao vặt đăng tin cho vay tiêu dùng và để lại số điện thoại, email để những người có nhu cầu liên hệ…

Theo trình bày của anh Lê Minh Nghĩa (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) hiện đang tạm trú tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, do có nhu cầu vay vốn mua sắm phương tiện đi lại nhưng không có tài sản thế chấp nên anh lên mạng Internet tìm kiếm thông tin về các cá nhân, tổ chức cho vay tín chấp.


Các giấy tờ liên quan mà cơ quan điều tra thu được trên người Nhãn

Qua một trang mạng, anh Nghĩa nhận được thông tin cho vay tiêu dùng cá nhân với mức tối đa lên đến 200 triệu đồng, thủ tục lại hết sức đơn giản, chỉ với bản phô tô các giấy tờ gồm: hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân và giấy xác nhận đã nộp thuế ở cơ quan thuế. Thời gian giải ngân chỉ trong vòng 3 giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, người vay phải đóng 10% giá trị số tiền vay (giống như tiền bảo đảm sẽ thực hiện nghĩa vụ của người vay) cho cơ quan thuế, đến khi đáo hạn hợp đồng sẽ được thanh toán lại số tiền đã đóng. Kèm theo lời quảng cáo là số điện thoại, email để liên hệ...

Trong lúc đang cần tiền, lại chỉ cần đặt cọc trước 10% mà có thể vay được số tiền 200 triệu đồng nên anh Nghĩa không chút chần chừ, vay mượn bạn bè rồi liên hệ với người đăng tin cho vay trên mạng. Khi làm việc qua điện thoại, anh Nghĩa được người này giới thiệu tên là Nguyễn Đắc Nhãn, hiện cùng trú tại quận Sơn Trà. Sau một hồi nhận được các lời tư vấn “ngọt như mía lùi”, anh Nghĩa đồng ý tiến hành các thủ tục vay tiền.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu, để đảm bảo khoản vay 200 triệu đồng được giải ngân nhanh chóng, Nguyễn Đắc Nhãn yêu cầu anh Nghĩa chuyển khoản 10% giá trị khoản vay, tương đương 20 triệu đồng vào tài khoản mang tên Nguyễn Thị Bông, mở tại NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Đà Nẵng để Nhãn đi “nộp thuế”.

Tuy nhiên, đến ngày 7/7/2014, anh Nghĩa không nộp tiền vào tài khoản mà gọi điện báo cho Nhãn trực tiếp cùng đi nộp. 11 giờ cùng ngày, Nhãn và anh Nghĩa đến Chi cục Thuế TP. Đà Nẵng để nộp tiền nhưng hết giờ làm việc nên cả hai trở về và hẹn nhau chiều ngày 8/7/2014 sẽ gặp nhau để cùng đi nộp.

Như đã hẹn, đến 14 giờ ngày 8/7, sau khi dẫn anh Nghĩa đến Chi cục Thuế TP. Đà Nẵng, Nhãn rút điện thoại nói chuyện với một người nào đó xưng tên là Nam, sau đó yêu cầu anh Nghĩa mang 20 triệu đồng lên tầng 3 nộp cho anh Nam.

Thấy có sự không trùng khớp trong lời nói của Nhãn nên anh Nghĩa yêu cầu Nhãn cùng lên tầng 3 với mình. Tuy nhiên, Nhãn không chịu đi mà lại yêu cầu anh Nghĩa đưa số tiền 20 triệu đồng để mình đi nộp thay và dặn anh Nghĩa chờ ở tầng 1.

Khi cầm được tiền trong tay, Nhãn liền đi thang máy lên tầng 5 và gọi điện báo cho anh Nghĩa đi cầu thang bộ lên tầng 3. Do có chuẩn bị từ trước nên trong lúc anh Nghĩa đang leo bộ cầu thang thì Nhãn đã kịp thay áo quần, đeo khẩu trang và vào thang máy đi ngược xuống tầng 1 để “đánh bài chuồn”.

Sau đó, nghi ngờ bị lừa đảo, anh Nghĩa không lên tầng 3 mà quay xuống dưới. Khi phát hiện Nhãn đang bước ra khỏi tòa nhà, anh Nghĩa liền tri hô và được tổ công tác của Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng trên đường tuần tra hỗ trợ, bắt quả tang.

Ngay sau đó, Công an quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đã thực hiện biện pháp tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đắc Nhãn để làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”… Tại cơ quan điều tra, Nhãn khai nhận quê ở huyện Núi Thành (Quảng Nam), hiện trú tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.

Do có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác, Nhãn đã lên một trang mạng rao vặt đăng tin cho vay tiêu dùng với nội dung: “Cho vay tiêu dùng, giải ngân nhanh trong vòng 3 giờ làm việc” và để lại số điện thoại, email để những người có nhu cầu liên hệ…

Xung quanh sự việc này, một điều tra viên Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Hải Châu cho biết, theo ghi nhận của cơ quan điều tra, cách thức lợi dụng việc cho vay tiêu dùng để chiếm đoạt tài sản như việc làm của Nguyễn Đắc Nhãn là thủ đoạn lừa mới xuất hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Thực tế, do hình thức, thủ tục cho vay tiêu dùng giữa các cá nhân tương đối đơn giản nên nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trục lợi cá nhân. Một số đối tượng còn liều lĩnh đi phát tờ rơi, gặp những người có nhu cầu vay vốn rồi đề nghị “ứng” trước một khoản tiền “trà nước”, sau đó mất hút…

Điều đáng nói, hiện việc cho vay tiêu dùng đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có TP. Đà Nẵng. Cơ quan điều tra nhận định, có thể còn nhiều bị hại khác là nạn nhân của những kịch bản tương tự, nhưng chưa đến cơ quan công an để trình báo.

Theo Bình Anh

Thời báo ngân hàng

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *