Thời sự 13/02/2014 11:09

Không lo lãi suất huy động giảm thêm

Trong bối cảnh khó tăng trưởng tín dụng, người gửi tiền lo ngại trong năm 2014, các ngân hàng (NH) sẽ giảm thêm lãi suất huy động để hạn chế rủi ro.

 
 
 

Tuy nhiên, lập luận này xem chừng sẽ khó xảy ra vì có nhiều yếu tố chứng tỏ khi trần lãi suất đầu vào được điều chỉnh xuống 7%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết không thể cắt giảm thêm.

Thứ nhất, 2013 được xem là năm điều hành chính sách lãi suất thành công của NHNN khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định đã theo dõi sát sao diễn biến thị trường và khi có điều kiện sẽ điều chỉnh ngay lãi suất.

Cũng theo Thống đốc, sở dĩ mục tiêu điều chỉnh lãi suất huy động đã đạt được kết quả như kỳ vọng là do lạm phát mục tiêu năm qua kiểm soát được ở mức 6%/năm. Còn nếu lạm phát năm 2013 cao hơn mức này, điều chỉnh trần huy động xuống 7%/năm, thì ngay lập tức dòng tiền sẽ chuyển sang các kênh đầu tư quen thuộc.

Bước sang năm 2014, mặt bằng lãi suất đầu vào được đánh giá ổn định, trần huy động khó có thể điều chỉnh xuống dưới mức 7% để tạo sự hấp dẫn. Thứ hai, nếu lãi suất huy động dự kiến sẽ tiếp tục giảm so với mức hiện nay, dòng tiền chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác là điều khó có thể tránh được. Đặc biệt là khi bất động sản, chứng khoán và kể cả vàng đang được xem là thời điểm tốt để mua vào.

Hiện lãi suất huy động và cho vay thời điểm này đã giảm rất mạnh so với năm 2012. Cụ thể, lãi suất huy động đã giảm 2 - 4%/năm và cho vay ra giảm 3 - 5%/năm. Một chuyên gia tài chính khẳng định: "Để kích được cầu tín dụng tăng trưởng, đẩy nhanh giải quyết nợ xấu, đòi hỏi phải giảm thêm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, người gửi nên yên tâm lãi suất huy động khó có thể giảm thêm trong thời gian tới, ngược lại có khả năng lãi suất huy động phải điều chỉnh tăng nhẹ”.

Bởi dù nền kinh tế có nhiều tín hiệu khả quan đã xuất hiện, bức tranh chung vẫn chưa hoàn toàn khởi sắc. Nhưng Việt Nam cũng như các quốc gia châu Á khác đang ở vào giai đoạn tăng trưởng chậm. Theo đó, kiểm soát tốt CPI với mức 7% thì lãi suất năm 2014 về cơ bản sẽ không có sự thay đổi mạnh.

Điều này đồng nghĩa với kênh gửi tiền tiết kiệm sẽ kém hấp dẫn. Ngoài ra, các NH cũng đón đầu đợt tăng trưởng tín dụng mới sau khi vấn đề xử lý nợ xấu được Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) xử lý triệt để.

Số nợ xấu dự kiến trong năm 2014 được VAMC đặt mục tiêu xử lý khoảng 100.000 - 150.000 tỷ đồng, gần bằng với số nợ xấu của hệ thống NH được công bố bởi NHNN vào cuối tháng 9/2013. "Mục tiêu xử lý nợ xấu năm 2014 tương đối khả thi vì các NH có thể sẽ nghiêng về lựa chọn bán nợ xấu cho VAMC thay vì tự xử lý”, vị chuyên gia trên nói.

Rõ ràng, dù thanh khoản của các NH hiện khá dồi dào và thậm chí còn đang ứ đọng vốn đầu ra, song năm nay không thể giảm mạnh lãi suất huy động. Ngược lại, vẫn còn những NH quy mô nhỏ, yếu kém đang "neo" lãi suất thỏa thuận kỳ hạn trên 6 tháng cao và thậm chí "xé rào" đối với lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng để "câu" tiền gửi.

Còn những NH dồi dào thanh khoản cũng khẳng định lãi suất huy động không giảm thêm, ngược lại có những kỳ hạn dài được điều chỉnh tăng để thu hút khách hàng.

Thừa nhận điều này, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, NH đã đẩy mạnh vốn hỗ trợ, chia sẽ khó khăn cùng doanh nghiệp, với mức lãi suất khá ưu đãi, thậm chí còn dưới mức trần huy động. Thế nhưng, Sacombank vẫn khó có thể cắt giảm thêm lãi suất huy động, ngược lại phải điều chỉnh tăng ở kỳ hạn huy động dài ngày.

Còn theo ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank, để giữ thị phần tiền gửi, ngân hàng nhỏ cũng phải cạnh tranh, cho dù thanh khoản đã được cải thiện tốt hơn so với trước, thậm chí là dư giả.

"Hiện chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay chỉ còn 1-1,5%. Song vì mục tiêu chung của toàn ngành, các ngân hàng thương mại sắp tới vẫn duy trì phương châm giảm lãi suất cho vay và giữ lãi suất huy động ở mức hợp lý”, ông Vũ cho biết.

Khi nợ xấu được giải quyết sẽ tháo gỡ vướng mắc của tăng trưởng tín dụng thấp hiện nay. Đó cũng là lý do ngay những ngày đầu năm, các NH điều chỉnh tăng lãi suất bằng cách này hay cách khác. Như tại Sacombank, lãi suất huy động từ 1 - 5 tháng vẫn ở mức 7%/năm nhưng các kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng, lãi suất lên 8,8%/năm.

Tại ACB, các kỳ hạn từ 3 tháng, lãi suất đều từ 7%/năm trở lên; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ 8,4 - 8,5%/năm. Tại Eximbank, lãi suất kỳ hạn từ 6 - 11 tháng dao động từ 7,2 - 7,5%/năm. Trong khi đó ở các NH nhỏ, mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn huy động từ 12 tháng đã ở mức 9%/năm. Ngoài ra, để không bị phạm trần lãi suất, các NH tăng giá trị và số lượng quà khuyến mãi.

Ví dụ, trong những ngày đầu năm 2014, với chương trình dự thưởng của HDBank, chỉ cần gửi từ 5 triệu đồng hoặc 250 USD, khách hàng sẽ được nhận ngay mã số dự thưởng để tham gia quay số cuối kỳ trúng giải đặc biệt lên đến 1 kg vàng SJC; tham gia quay số hằng kỳ với 6 giải nhất, mỗi giải 1 lượng vàng, 30 giải nhì mỗi giải 1 chỉ vàng, 90 giải khuyến khích, mỗi giải 1 triệu đồng...

Theo các NH, việc tăng dần lãi suất huy động là tín hiệu tốt của thị trường. Bởi một mặt, điều này thể hiện việc cho vay bắt đầu khả quan hơn, mặt khác, nó thể hiện đường cong lãi suất đang được điều chỉnh về đúng với quy luật vốn có.

 

Theo QUỲNH VŨ
Doanh nhân Sài gòn
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *