Thời sự 18/09/2014 07:58

Đến lúc nên thả nổi lãi suất tiền gửi

Việc thả nổi lãi suất ngân hàng có thể làm ảnh hưởng đến các ngân hàng yếu kém nhưng đây là việc cần làm để thoát khỏi cơ chế bao cấp.

Nhiều ngân hàng (NH) đã công bố bảng lãi suất tiền gửi mới theo xu hướng giảm về dưới 5%/năm cho kỳ hạn một tháng. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế NH, việc giảm lãi suất lúc này rất cần thiết, thậm chí đây cũng là thời điểm để thả nổi lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay.

Nên hạ thêm 1% lãi suất tiền gửi

. Phóng viên: Căn cứ vào đâu ông cho rằng NH nên nhanh chóng hạ lãi suất tiền gửi?

+ TS Nguyễn Trí Hiếu: Lạm phát hiện đang được kiểm soát ở mức thấp. CPI sau tám tháng đầu năm cả nước mới chỉ tăng 1,84%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Điều đó cho thấy nền kinh tế vẫn chưa phát triển tốt nên cần hạ lãi suất tiền gửi xuống từ 0,5% đến 1%/năm nữa. Từ đây sẽ là cơ sở để hạ lãi suất cho vay và giúp doanh nghiệp có nguồn vốn rẻ hơn. Nhưng cái mà tôi đề xuất ở đây là nên thả nổi lãi suất đối với các NH.

. Liệu việc thả nổi lãi suất thì có lại xảy ra tình trạng huy động cao, cho vay cao như lãi chợ đen những năm về trước không, thưa ông?

+ Trong bối cảnh này thì tình trạng đó không có khả năng xảy ra do NH đang dư vốn cho vay không được. Nếu tăng lãi suất để huy động vốn rồi cho vay ra cao thì sẽ không ai vay. Còn nếu huy động cao không cho vay được nhưng lại đổ tiền vào công ty con hay dự án của các ông chủ NH thì chẳng khác nào “gậy ông đập lưng ông” vì rất rủi ro.

Người gửi tiền sẽ quan tâm đến tính an toàn của tiền gửi hơn cả lãi suất. Ảnh: YT

Theo tôi, nên để kinh tế thị trường điều chỉnh lãi suất và không chỉ cởi bỏ lãi suất tiền gửi VND mà còn áp dụng cho cả đồng USD cho mọi kỳ hạn. Quy định trần cho vay VND, USD cũng bỏ tất. Bởi lẽ trên thực tế chúng ta chỉ quy định trần lãi suất tiền gửi sáu tháng trở xuống, còn lại từ sáu tháng trở lên là thỏa thuận. Nghĩa là mình đã đi được 3/4 chặng đường rồi, còn 1/4 nữa tại sao mình không làm.

Không bỏ trứng vào một giỏ

. Thế nhưng thanh khoản ở mỗi NH hiện nay khác nhau. Nếu những NH yếu vẫn huy động lãi suất cao thì làm sao tạo được môi trường lành mạnh, công bằng giữa các NH với nhau?

+ Để tự do hóa lãi suất thì cần đi kèm điều kiện là phải cho phép NH yếu được phá sản. Đến giờ không thể để NHNN bao cấp, bảo hộ cho các NH yếu kém. NHNN cần tạo điều kiện để NH tái cơ cấu hoặc sáp nhập nhưng nếu bản thân NH đó cũng không tự cứu được thì có thể để cho phá sản. Thực tế hiện nay chính sách của chúng ta vẫn còn tình trạng bao cấp.

Nếu chúng ta cam kết không để NH yếu kém phá sản thì NH dù yếu kém nhưng lãi suất cao thì người dân vẫn không sợ rủi ro và cứ bỏ tiền vào đó. Còn khi thả nổi thì lãi suất đi kèm với điều kiện tuân thủ theo quy luật thị trường, người dân khôn ngoan sẽ bỏ tiền vào những NH lành mạnh hóa, không cần lãi suất cao nhưng đảm bảo an toàn.

. Nếu để phá sản thì với mức bồi thường của bảo hiểm tiền gửi chỉ là 50 triệu đồng/sổ tiết kiệm, liệu người dân có dám gửi tiền ở NH nữa không, thưa ông?

+ Người nào gửi NH vẫn sẽ tiếp tục gửi NH vì gửi tiền sẽ có lãi. Tuy nhiên, lúc này người gửi sẽ thông minh hơn, thay vì có 1 tỉ đồng gửi một NH thì họ sẽ gửi ở năm NH khác nhau để phòng khi rủi ro sẽ được bồi thường đủ với số tiền gửi. Tuy nhiên, người gửi tiền cũng sẽ chọn mặt gửi tiền, NH lành mạnh, an toàn sẽ được lựa chọn chứ không đâm đầu vào NH huy động lãi suất cao để gặp rủi ro lớn. Ngoài ra, tôi cũng đã đề nghị là phải tăng mức bảo hiểm tiền gửi từ 50 triệu đồng thành 200 triệu đồng hoặc thậm chí là 500 triệu đồng.

. Ở nước ngoài có cho phép người gửi tiền chia nhỏ sổ tiết kiệm như ông nói không?

+ Đó là cách người dân bên Mỹ họ làm. Họ có nhiều cách để bảo vệ tài sản của mình. Chẳng hạn lựa chọn NH lớn hoặc chia nhỏ số tiền ấy gửi ở nhiều nơi. Song bảo hiểm tiền gửi ở Mỹ lên tới 300.000 USD/sổ tiết kiệm dành cho tiền gửi có lãi suất là tài khoản tiết kiệm. Còn với tài khoản vãng lai, tài khoản thanh toán không có lãi... đơn cử như chủ tài khoản bỏ hàng trăm tỉ USD vào NH với mục đích chỉ là thanh toán giao dịch, trong trường hợp NH đó phá sản thì chính phủ sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền.

. Xin cảm ơn ông.

Mức hạ lãi suất tiền gửi

Vietcombank tính lãi suất tiền gửi là 4,8%/năm, VietinBank là 5%/năm, BIDV lãi suất kỳ hạn một tháng là 4,5%/năm. Hay mới đây Agribank cũng công bố mức lãi suất mới của mình cho kỳ hạn một tháng là 4,5%/năm… Trong khi đó, theo quy định của NHNN thì lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn từ một đến sáu tháng tối đa là 6%/năm. 

 
Theo Yến Trang
Pháp luật TPHCM
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *