Thời sự 01/11/2014 16:48

Đại biểu Quốc hội: Ngân hàng yếu kém cần mạnh dạn cho phá sản

FICA - “Chúng ta chưa để một ngân hàng nào phải giải thể theo đúng nghĩa. Điều này tạo nên sự bao cấp không đáng có…”, đại biểu Quốc hội bày tỏ ý kiến.

Chiều nay 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tái cơ cấu nền kinh tế với ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngành ngân hàng.

Ảnh: Việt Hưng.

“Chưa để ngân hàng nào phá sản theo đúng nghĩa”

Về vấn đề tài cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng: Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt quá trình tái cơ cấu và đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong công tác tái cơ cấu đã từng bước lập lại kỷ cương trên thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, lãi suất đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, theo ông Bình, việc xử lý các ngân hàng yếu kém, sáp nhập còn chậm, nên cần đẩy nhanh hơn nữa. Ngoài ra, ngành ngân hàng cần để các ngân hàng lớn, có tiềm lực tài chính mạnh tham gia tái cấu trúc ngân hàng nhỏ để tạo thêm sức mạnh.

“Tái cấu trúc tổ chức tín dụng là vấn đề của cả nền kinh tế, nên Ngân hàng Nhà nước không nên đứng độc lập trong quá trình này. Cần phát huy sức mạnh của các bộ ngành địa phương và cả hệ thống pháp luật”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An), Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, trong 3 năm qua, nền kinh tế nước ta có nhiều giai đoạn thăng trầm, nhiều doanh nghiệp phá sản. Nhưng nhìn tổng thể, chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ đã đi đúng hướng. Nhiều lĩnh vực đã chuyển mình và đạt được những kết quả quan trọng.

Đánh giá cao các giải pháp mà ngành ngân hàng áp dụng trong quá trình tái cơ cấu, tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nợ xấu vẫn còn cao cùng với sở hữu chéo là hai lớn cản trở sự phát triển của nền kinh tế và cần phải mạnh tay loại bỏ các hạn chế này.

Để đưa công cuộc tái cơ cấu ngành ngân hàng đến đích, đại biểu cho rằng, cần thúc đẩy ngân hàng sáp nhập, hợp nhất, với các ngân hàng yếu kém cần yêu cầu xây dựng phương án cơ cấu lại, có cơ chế khuyến khích tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh và ngân hàng yếu hợp nhất, sáp nhập. Đồng thời đổi mới công tác quản trị ngân hàng.

Đồng thời, cần tích cực giám sát nợ xấu, minh bạch hóa thông tin về nợ xấu của các tổ chức, đơn vị. Kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động đảm bảo thông tin phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế, đánh giá phân loại và công bố khả năng thu hồi nợ của các khoản nợ.

Đồng thời, theo đại biểu Quý, ngành ngân hàng cần có biện pháp giám sát nợ xấu, cần minh bạch hóa con số nợ xấu của từng tổ chức tín dụng và có phương án kiểm tra, giám sát chặt chẽ từng hoạt động tổ chức tín dụng. “Thông tin về nợ xấu do các tổ chức tín dụng cung cấp phải phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu Quý, tình trạng sở hữu chéo hiện nay đã đến mức báo động, do đó cũng cần minh bạch sở hữu chéo. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu và nguy cơ thao túng hoạt động tài chính, cần tập trung xây dựng thị trường tín dụng và thị trường vốn minh bạch.

Đặc biệt, đại biểu Quý cho rằng: “Cần có chủ trương cho phép các ngân hàng yếu kém phá sản. Chúng ta chưa để một ngân hàng nào phải giải thể theo đúng nghĩa. Điều này tạo nên sự bao cấp không đáng có, dẫn đến tình trạng ông chủ một số ngân hàng lợi dụng ngân hàng để thao túng thị trường, để thị trường hoạt động một cách méo mó, để lại nợ xấu nặng nề cho nền kinh tế. Đây là điều trái với thị trường và thông lệ quốc tế”.

Bởi theo lý giải của đại biểu, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cần phải hoạt động theo đúng Luật doanh nghiệp và Luật các tổ chức tín dụng. Nếu ngân hàng hoạt động yếu kém, khi cần giải thể thì tuân thủ luật pháp hiện hành. Có như vậy, chúng ta mới có được thị trường tài chính lành mạnh và bền vững.

Lấy nguồn lực trong cổ phần hóa các NHTM để xử lý nợ xấu?

Đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế còn rất nhiều khó khăn như hiện nay có rất nhiều các thế lực thù địch có âm mưu chống phá nhà nước, phá hoại nền kinh tế. Nhiệm vụ đặt ra là phải vô hiệu hoá các âm mưu chia rẽ đất nước, gây bất ổn chính trị, chống phá kinh tế.

Thông tin từ ông Tuyến cho hay: Trong 3 năm qua, với sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, ngành công an đã điều tra hàng chục vụ liên quan đến cán bộ ngân hàng vi phạm cho vay, gây thiệt hại nhiều nghìn tỷ đồng. Ví dụ như vụ Nguyễn Đức Kiên, Trần Công Danh, Hà Văn Thắm, Ngân hàng Nông nghiệp hoặc các tiêu cực trong các sàn giao dịch vàng...

Xoay quanh ý kiến cho rằng, xử lý nợ xấu không chỉ riêng ngành ngân hàng, bên hành lang Quốc hội chiều nay 1/11, đại biểu Lê Nam cho biết: Nợ xấu là hệ lụy của từ hoạt động của cả nền kinh tế và muốn xử lý nợ xấu phải có sự đồng bộ. Nếu các địa phương hay các bộ ngành giải quyết được nợ đọng xây dựng cơ bản, chắc chắn nợ xấu sẽ giảm đáng kể.

Tuy nhiên, “việc giải quyết nợ xấu vẫn chủ công và chủ lực là ngân hàng, là tổ chức thương mại. Bởi nợ xấu phát sinh từ hoạt động thương mại và nợ xấu là một bộ phận không thể tách rời, chia cắt của hoạt động ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan có thể tham mưu cho Chính phủ những giải pháp phù hợp để điều hành các nhân tố trong nền kinh tế cùng tham gia giải quyết nợ xấu”, đại biểu Lê Nam nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cũng đề nghị đưa các tổ chức tín dụng hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, các tiêu chí cho vay và đánh giá tài sản đảm bảo theo tiêu chuẩn.

“Giải quyết nợ xấu cần phải có nguồn lực, nguồn lực ít sẽ xử lý nợ xấu kéo dài và ngược lại nếu nguồn lực lớn sẽ giải quyết nợ xấu nhanh hơn. Do đó phải có một nguồn lực nhất định để tham gia vào tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và nợ xấu nói riêng. Theo tôi phải lấy nguồn lực trong cổ phần hóa các ngân hàng thương mại, hiệu quả mang lại trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và các nguồn vốn khả dụng khác”, đại biểu Phong nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *