Doanh nghiệp 05/04/2014 10:34

Nhóm bầu Kiên dính bẫy siêu lừa Huyền Như 718 tỷ đồng: Triển vọng thu hồi chưa rõ ràng

FICA - ACB đã tiến hành trích lập 376 tỷ đồng, tương đương 50% dư nợ quá hạn và tiếp tục kháng cáo quyết định của tòa án. Tuy nhiên, khả năng thu hồi là chưa rõ ràng và ACB sẽ tiến hành trích lập 100% trong vòng 3 năm (2013-2015) - VCBS cho biết.

 

Thông tin từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho hay, vào ngày 29/3, VCBS đã gặp gỡ và có cuộc trao đổi với đại diện của ngân hàng Á Châu (ACB). Nội dung cuộc gặp xoay quanh các vấn đề nổi cộm của ACB trong năm 2013, định hướng phát triển và kế hoạch năm 2014.

Cụ thể, trong năm vừa qua, lợi nhuận sau thuế của ACB đạt 826 tỷ, tăng 5% so cùng kỳ chủ yếu nhờ thu hẹp đáng kể khoản lỗ từ kinh doanh ngoại hối và vàng, đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động và chi phí dự phòng. Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần giảm mạnh do tỷ lệ lãi biên ròng (NIM) giảm mạnh 1,7% và tăng trưởng tín dụng thấp, chỉ đạt 4,3% so cùng kỳ.

Năm 2013, ACB tiếp tục giải quyết 3 vấn đề nổi cộm nhất, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng, trong đó có khoản tiền gửi 718 tỷ đồng và lãi dự thu gửi tại Vietinbank. ACB đã tiến hành trích lập 376 tỷ đồng, tương đương 50% dư nợ quá hạn và tiếp tục kháng cáo quyết định của tòa án. Tuy nhiên, trao đổi cho thấy khả năng thu hồi là chưa rõ ràng và ngân hàng sẽ tiến hành trích lập 100% trong vòng 3 năm (2013-2015) - VCBS cho biết.

Trước đó, tại Thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất của ACB năm 2013 cho thấy, khoản 718,9 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn mà ngân hàng đã ủy thác cho nhân viên gửi tại 1 ngân hàng TMCP đã quá hạn (Ngân hàng A - không nói cụ thể là VietinBank - PV). Tất cả nhân viên nhận ủy thác tiền gửi của Ngân hàng đã khởi kiện tại tòa án theo yêu cầu Ngân hàng A hoàn trả gốc và lãi của các khoản này.

Trong BCTC, ACB cho biết lập kế hoạch trích lập dự phòng cho số dư tiền gửi và thoái lãi dự thu liên quan đến các khoản tiền gửi này cho lãi dự thu quá hạn liên quan với số tiền 30 tỷ đồng trong 3 năm từ 2013-2015 theo tỷ lệ tương ứng là 20%, 40% và 40%.

ACB đã cân nhắc và trích lập dự phòng bổ sung cho khoản tiền gửi của Ngân hàng A là 232 tỷ đồng so với kế hoạch nêu trên (cụ thể, trích lập dự phòng 50% trên các số dư quá hạn). Tổng số tiền trích lập dự phòng tại thời điểm 31/12/2013 là 375,9 tỷ đồng.

"Theo ý kiến đánh giá của luật sư tư vấn cho ngân hàng, ACB có đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu Ngân hàng A hoàn trả tất cả các khoản gốc và lãi nêu trên. Việc trích lập dự phòng không đồng nghĩa với việc cho rằng Ngân hàng A không có trách nhiệm trả tiền" - BCTC của ACB nêu rõ.

Trở lại với phân tích của VCBS, vấn đề thứ hai mà ACB phải đối mặt năm vừa rồi là khoản cho vay của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ACB đã phân loại vào nợ nhóm 3 theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và trích lập 20% trên số dư nợ. Tài sản đảm bảo là tàu biển hiện có giá trị thấp, nếu thanh lý cũng chỉ bù đắp được phần nhỏ dư nợ gốc. Hiện ACB đang tìm đối tác mua lại các khoản nợ và trái phiếu này. Tuy nhiên, phương án này không khả quan do Vinashinlines hiện đang nộp đơn xin phá sản.

Theo BCTC hợp nhất của ACB năm 2013, tổng số dư cuối năm của ACB với Vinalines tại thời điểm 31/12/2013 là 1.058,2 tỷ đồng.

Về khoản dư nợ cho vay 5.878 tỷ đồng đối với 6 công ty liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên, trong năm 2013, ACB thu hồi được hơn 1.200 tỷ đồng. ACB hướng tới chính sách xử lý hợp tác cùng với nhóm 6 công ty để thu hồi nợ từng bước, dự kiến thời gian xử lý từ 3-5 năm.

Nợ xấu tính toán lại theo thông tư 02 không thay đổi nhiều

Trao đổi với VCBS, ACB cho biết, ngân hàng đặt kế hoạch LNTT năm 2014 ở mức 1.189 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện 2013) trên cơ sở dự kiến tăng trưởng tín dụng tương đương với mục tiêu trung bình ngành mà NHNN đặt ra (từ 12%-14%). Con số lợi nhuận kể trên được tính sau khi trừ đi chi phí dự phòng ước tính vào khoảng 1.000 tỷ đồng (tăng 108% so cùng kỳ) chủ yếu dùng để giải quyết 3 khoản dư nợ có đề cập ở trên.

Trong năm 2014, ACB sẽ tập trung phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, trong đó chú trọng cải thiện doanh số ở Hà Nội và miền Tây. Theo đánh giá của VCBS, hiện tại cơ cấu đóng góp lợi nhuận theo địa bàn của ACB đang không đều với 70% lợi nhuận đến từ khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Đối với mảng khách hàng doanh nghiệp, trọng tâm chính vẫn là phát triển khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

ACB cho biết, nợ xấu tính toán lại theo Thông tư 02 không thay đổi nhiều do ngân hàng đã theo đuổi chính sách quyết liệt trong phân loại nợ trong năm vừa qua. ACB cũng sẽ tiếp tục xử lý các khoản dư nợ cho vay đối với nhóm 6 công ty liênquan đến ông Nguyễn Đức Kiên. Cụ thể, trong năm 2014, ACB sẽ chú trọng xử lý các tài sản đảm bảo là cổ phiếu chưa niêm yết (gồm có 1 số cổ phiếu của Saigon Star, KFC, VietBank…).

ACB cũng đang triển khai dự án core để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử, và giảm chi phí hoạt động.

Trong quý I/2014, LNTT của ACB ước đạt 330 tỷ đồng (tương đương 18% kế hoạch), trong đó 2 tháng đầu năm dự nợ tín dụng giảm 1,8% trong khi huy động tăng 4,3%.

"Chúng tôi nhận thấy ACB vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu hoạt động và cần thêm 2-3 năm nữa để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến 3 nhóm dư nợ có vấn đề. Chiến lược đẩy mạnh bán lẻ, trong đó tập trung mạnh khu vực Hà Nội và miền Tây chưa có triển vọng rõ ràng do ACB chịu sự cạnh tranh gay gắt ở các địa bàn này trong khi chính sách khoán định mức bán lẻ đối với từng nhân viên kinh doanh có thể chưa tạo nên đột phá" - VCBS đánh giá.

Bên cạnh đó, áp lực tăng chi phí dự phòng để giải quyết các dư nợ có vấn đề sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận chung của ACB trong năm 2014. Do đó, theo VCBS, mục tiêu lợi nhuận 1.189 tỷ đồng cho năm 2014 sẽ là không dễ dàng cho ACB trong bối cảnh như vậy.

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *